(TSVN) – Những năm qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để thúc đẩy phát triển ngành thủy sản. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, quy trình nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện thành phố có tổng diện tích mặt nước gần 31.000 ha, diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, ước tính khoảng 24.000 ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, những năm qua, thành phố đã phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì… Cùng đó, tập trung khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng thuỷ sản. Hiện, toàn thành phố có trên 9.700 ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước vào nuôi trồng thủy sản, nhiều mô hình sử dụng máy cho cá ăn tự động… Năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ha, riêng vùng nuôi trồng tập trung đạt 10 – 12 tấn/ha. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch có xu hướng tăng qua các năm, mỗi năm tăng khoảng 2,5 – 3,5% so năm trước.
Việc áp dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy sản đã mở ra hướng phát triển mới, giúp người nuôi giảm công lao động, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Anh Phạm Ngọc Thanh, xã Phú Châu (huyện Ba Vì) cho biết, nhờ chuyển đổi nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao từ 3 năm nay mà hơn 2 ha ao nuôi cá của gia đình anh đã hạn chế dịch bệnh. Cá sinh trưởng tốt, năng suất cao hơn 1,2 lần so với nuôi thông thường, cho thu nhập bình quân từ 250 – 300 triệu đồng/ha/năm.
Áp dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy sản giúp người dân TP Hà Nội giảm công lao động, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Ảnh: Hương Giang
Tuy nhiên, dù có lợi thế về mặt nước, thế nhưng hiện nay, ngành thủy sản của thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư đồng bộ, còn chắp vá gây hạn chế cho việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nguồn nước cung cấp cho nuôi thủy sản chủ yếu từ các sông lớn nhưng đều trong tình trạng bị ô nhiễm… Đặc biệt, phần lớn hộ nuôi thủy sản đều ở quy mô đa số nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá trị chưa cao. Trong khi đó, trình độ của người dân về nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh, bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ mở các khóa tập huấn, đào tạo về công tác quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng và quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, ngành sẽ nâng cao công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản. Theo dõi, thống kê, báo cáo về tình hình nuôi thủy sản, quản lý chất lượng vật tư và an toàn dịch bệnh thủy sản. Theo dõi tình hình môi trường, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản. Cùng đó, kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi thủy sản thương phẩm, cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh cá cảnh; các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản và cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý môi trường và thức ăn.
Tiếp tục rà soát, mở rộng nuôi trồng thủy sản ở các diện tích ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang mô hình kết hợp cá và lúa hoặc chuyên cá tại các huyện nằm trong quy hoạch; hỗ trợ kinh phí xử lý môi trường ao nuôi cho các hộ tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất theo lợi thế của từng địa phương; bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ phát triển nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tăng cường liên kết với các tỉnh, thành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ưu tiên cho những sản phẩm thủy sản chủ lực, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách của các thị trường tiêu thụ.
“Trong giai đoạn 2022 – 2025, thành phố định hướng đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, theo hướng hữu cơ. Trước mắt sẽ tập trung phát triển tại 6 huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ và Phúc Thọ”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường chia sẻ.
Nam Cường
TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 25.000 ha, trong đó vùng nuôi trồng thủy sản tập trung là 10.000 ha, với năng suất trung bình 15 tấn/ha/năm.