(TSVN) – Hiện, các nơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bước vào giai đoạn chuyển mùa, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn dẫn đến môi trường biến động lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh đối với con tôm nuôi.
Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm hàng năm trên 50.000 ha. Mặc dù diện tích nuôi không lớn nhưng về sản lượng tôm nuôi chiếm từ 18 – 20% sản lượng tôm nuôi của cả nước. Đồng thời, ngành nông nghiệp đã có đóng góp rất lớn vào GDP của tỉnh và thông qua nuôi tôm đã giải quyết việc làm và tạo kinh tế bền vững cho hàng nghìn hộ dân tại các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 15/5, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt hơn 13.700 ha. Ảnh: XT
Vụ tôm nước lợ năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi 50.820 ha, sản lượng tôm nuôi là 212.000 tấn. Tính đến ngày 15/5, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đạt hơn 13.700 ha, ước sản lượng thu hoạch hơn 14.300 tấn. Hiện diện tích tôm còn trên ao, đầm hơn 11.000 ha và diện tích tôm nuôi bị thiệt hại từ đầu năm đến nay chiếm 2,5%. Nguyên nhân tôm bị thiệt hại do yếu tố môi trường, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng, bệnh vi bào tử trùng.
Thông tin từ Cục Thống kê Sóc Trăng, 4 tháng đầu năm 2024, lượng tôm giống nhập vào tỉnh 1,76 tỷ con giống và nhu cầu tôm giống phục vụ cho nhu cầu nuôi toàn tỉnh khoảng 19 tỷ con giống, trong đó tôm thẻ chân trắng khoảng 18 tỷ con, tôm sú 1 tỷ con.
Theo Đài khí tượng Thủy sản Sóc Trăng, mùa mưa năm 2024 đã bắt đầu sớm hơn hàng năm. Cụ thể, từ giữa tháng 5, các nơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bước vào giai đoạn chuyển mùa, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn với những đợt mưa vừa, mưa to và dông mạnh, dẫn đến môi trường biến động lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh đối với con tôm nuôi. Do đó, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng khuyến cáo người nuôi nên hạn chế thả tôm trong giai đoạn giao mùa. Khi chọn mua con giống cần có sự liên doanh với các doanh nghiệp cung ứng, để đảm bảo truy xuất rõ nguồn gốc, chất lượng. “Bà con nếu có điều kiện, trước khi thả giống qua ao nuôi, nên ương dưỡng để theo dõi quá trình phát triển của tôm giống. Do các bệnh thường xảy ra trên con giống từ dưới 1 tháng tuổi, như vậy sẽ giúp kiểm soát tốt hơn bệnh trên tôm giống, hạn chế tối đa thiệt hại”, bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng lưu ý.
Ngoài ra, thời điểm giao mùa, hộ nuôi tôm phải thường xuyên theo dõi các yếu tố thủy lý hóa trong ao nuôi như: độ mặn, pH, độ kiềm, khí độc NH3, NO2 và hàm lượng ôxy hòa tan để điều chỉnh về khoảng thích hợp kịp thời, tránh tình trạng làm tôm bị stress hoặc bị sốc môi trường. Thường xuyên bổ sung vôi, khoáng chất, đặc biệt là canxi, magie, kali cho tôm, nhất là các ao độ mặn thấp để phòng ngừa bệnh cong thân đục cơ, mềm vỏ, tăng sức đề kháng cho tôm. Định kỳ lấy mẫu nước kiểm tra mật số vi khuẩn gây hại (Vibrio) trong ao tôm với tần suất 2 lần/tuần, khống chế mật độ Vibrio tổng ở mức thấp <1.000 CFU/ml và sự hiện diện của Vibrio gây bệnh hoại tử gan tụy và Vibrio gây bệnh phân trắng…
Để vụ nuôi 2024 thành công, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường công tác quan trắc môi trường vùng nuôi để giám sát dịch bệnh trên tôm cũng như phát hiện sớm bệnh trên tôm khuyến cáo đến hộ nuôi; tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề và các buổi tập huấn về quản lý tôm nuôi nước lợ cho hộ nuôi; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ, thiết bị môi trường tự động trong nuôi tôm để tăng năng suất và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Nam Cường
Không mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao sản lượng và cải thiện chất lượng là định hướng quan trọng của ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đối với lĩnh vực sản xuất tôm nước lợ. Việc thả nuôi theo hình thức thăm dò, tiên phong áp dụng mô hình nuôi mới để cải thiện năng suất cho thấy người nuôi dân trên địa bàn tỉnh đã có sự thận trọng hơn trong sản xuất, đảm bảo an toàn trong vụ nuôi được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.