Ông Cường cho rằng, để tháo gỡ cho vấn đề này, về mặt giải pháp, trước hết, chúng ta cần tăng cường lực lượng cơ sở từ Công an, Biên phòng, Kiểm ngư, đến chính quyền của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Nam bộ, tập trung ở Kiên Giang, Cà Mau…; để nắm địa bàn, khoanh vùng đối tượng, khoanh vùng chủ tàu để vừa tuyên truyền, vừa răn đe để ngăn chặn từ sớm, từ xa. Sử dụng hệ thống dân vận, hệ thống mặt trận và các lực lượng có thẩm quyền, vừa tuyên truyền phổ biến giáo dục, vừa phát hiện, xử lý, ngăn từ sớm, từ xa những hành vi vi phạm nghiêm trọng về IUU, đặc biệt là những hành vi môi giới, “móc nối” để đưa người và tàu đi vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài.
Giải pháp tiếp theo, đó là các lực lượng thực thi pháp luật sẽ phải tăng cường tuần tra, xử lý, kiểm soát ở trên các vùng biển. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng như lực lượng Kiểm ngư đang triển khai rất quyết liệt hoạt động này. Một giải pháp nữa cũng rất quan trọng và cần thiết tại thời điểm này, đó là tiếp tục khởi tố một số những vụ án hình sự. Từ đó, để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nhằm tạo sự răn đe trong cộng đồng ngư dân ven biển.
Về mặt lâu dài, chúng ta phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Bởi, ý thức chấp hành pháp luật rất quan trọng, quyết định đến hành vi, để làm sao ngư dân hiểu rằng, đây là một nghĩa vụ để chung tay với cả nước trong việc chống khai thác IUU, cũng như gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.