Tại Việt Nam, Hội chứng tôm chết sớm (EMS) đã tìm ra nguyên nhân, trong khi tình hình dịch bệnh này tại Thái Lan vẫn rất nghiêm trọng, nhiều người hy vọng đây sẽ là cơ hội để xuất khẩu tôm tăng trở lại.
Khi Thái Lan sụt giảm
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Sản lượng xuất khẩu tôm của Thái Lan giảm mạnh, trong quý I/2013, Thái Lan chỉ cung cấp được 57.000 tấn, giảm đến 50% so với sản lượng trung bình 100.000 tấn. Cả năm nay, dự kiến xuất khẩu của nước này đạt 400.000 tấn. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm bớt, người nuôi Thái Lan vẫn đang loay hoay chống đỡ.
Hiện người nuôi tôm Thái Lan đang do dự trong việc thả nuôi do lo ngại dịch bệnh, thiếu kinh phí và không dám mạo hiểm đầu tư. Ước tính phải tốn 10.000 USD để duy trì một ao tôm có năng suất 10 tấn/năm. Với yêu cầu giảm mật độ thả nuôi, sản lượng chỉ có thể đạt 6 tấn/năm. Do đó, chỉ khoảng 3/10 ao được thả nuôi và từ 20 đến 30% số ao nuôi tôm tại Thái Lan còn hoạt động. Hội chứng EMS hay Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi bắt đầu ảnh hưởng nặng nề tới Thái Lan từ năm 2012, lây lan trên cả tôm sú và TTCT.
Tổng thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe cũng khẳng định: Tình hình xuất khẩu hiện nay của Thái Lan đang diễn ra theo chiều hướng xấu. Trước kia Thái Lan được mùa thì sản lượng tôm thế giới cũng tăng và nguồn cung dễ dàng. Nhưng hiện nay, tình hình ngược lại nên ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu chung trên thế giới.
Cơ hội nào cho Việt Nam
Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), giá tôm nguyên liệu hiện nay đang cao hơn so với trước đó vài tháng do thiếu hụt nguồn cung ở những nước khác, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp ký hợp đồng mua tôm nguyên liệu dài hạn với nông dân. So với năm 2012, vụ nuôi năm nay được cải thiện hơn về thị trường, dịch bệnh. Nhiều hộ nuôi cạn vốn để tiếp tục tái đầu tư, trong khi đó, chính sách đến với bà con còn chậm chạp, việc người dân tham gia mua bảo hiểm cũng chưa được giải quyết. Hơn nữa, khi Mỹ áp thuế chống trợ cấp với ngành tôm Việt Nam mức 6,07% thì các doanh nghiệp thu mua sản phẩm sẽ tính thêm những chi phí này, cuối cùng người nuôi tôm sẽ gánh trọn hậu quả mức thuế vô lý này.
6 tháng, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1.102 triệu USD – Ảnh: An Đăng
Trả lời cho câu hỏi: Việc ngành tôm Việt Nam có thể phục hồi và lấy được đà tăng trưởng hay không? Ông Trương Đình Hòe cho biết: Khó có thể đánh giá được những cơ hội hay khó khăn trong tình hình hiện nay. Bởi hoạt động xuất khẩu phụ thuộc vào yếu tố thị trường, giá thành sản xuất. Với mức giá như hiện nay, người dân đổ xô vào nuôi, diện tích có thể được cải thiện nhưng tôm Việt Nam đang chịu mức thuế cao và dịch bệnh trên tôm chưa hết thì tình hình vẫn còn khó khăn. Vậy nên vấn đề ở đây là chúng ta phải tiếp tục khảo sát dịch bệnh để kịp thời khắc phục và chấn chỉnh hoạt động nuôi trồng.
Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp lại cho rằng: Thời điểm này đơn hàng lớn đã có và các doanh nghiệp cũng đã phải chuẩn bị để tránh đột biến xảy ra. Doanh nghiệp phải chủ động số lượng hàng xuất khẩu được là bao nhiêu, liên kết với bao nhiêu cơ sở nuôi…
Ngành tôm Việt Nam dù sao cũng đã có những tín hiệu khả quan cả về giá lẫn thị trường nhập khẩu. Nếu giải quyết được vấn đề dịch bệnh trên tôm thì có thể sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
>> Là một trong những nước nuôi tôm lớn, ngành tôm Thái Lan “khống chế” thị trường thế giới trong thời gian dài. Việc nước này sụt giảm sản lượng xuất khẩu trong thời điểm hiện nay, xuất khẩu tôm Việt Nam đang có cơ hội “thế chân”, nhưng các doanh nghiệp liệu có thể nắm bắt? |