(TSVN) – Thông tin từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, kết quả xác định nguyên nhân tôm hùm, cá biển chết hàng loạt tại Phú Yên không phải do dịch bệnh mà do môi trường vùng nuôi thiếu ôxy.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, ngày 22/5, sau khi nhận được thông tin tôm hùm và cá biển ở khu vực đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) bất ngờ chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, Viện đã cử đoàn công tác gồm các cán bộ chuyên môn về lĩnh vực môi trường, bệnh thủy sản cùng với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung đi khảo sát thực tế và thực hiện lấy mẫu, quan trắc, đo đạc các thông số tại vùng nuôi này để phân tích cụ thể.
Tình trạng tôm hùm chết tại thị xã Sông Cầu gây thiệt hại trên 38 tỷ đồng. Ảnh: Minh Minh
Kết quả khảo sát cho thấy, vùng nuôi có tôm hùm, cá biển bị chết nằm ở khu vực cửa vịnh thông ra biển hẹp (cửa đầm Cù Mông) và hơn 11.000 lồng nuôi tôm hùm, cá biển các loại. Lồng nuôi là dạng lồng chìm, có khung bằng sắt bọc lưới, có kích thước 2,5×2,5×1 m, được đặt ở vùng nuôi có độ sâu 4 – 5 m khi nước lớn và 3 – 4 m khi nước ròng. Lồng cách nền đáy khoảng 0,5 – 1 m; khoảng cách lồng cách lồng từ 0,8 – 1,5 m, mật độ tôm thả nuôi từ 100 – 200 con/lồng.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, số lượng lồng nuôi như vậy trên một đơn vị diện tích là quá dày, làm cho khả năng lưu thông nước kém. Cùng đó, lồng đặt tại vùng nuôi có độ sâu thấp so với quy định (6 m khi nước ròng). Trong quá trình khảo sát còn, đơn vị nhận thấy có hiện tượng cá chình biển, cá biển các loại ngoài tự nhiên bị chết trong vùng khảo sát. Đo đạc các thông số nước tại hiện trường, kết quả cho thấy hàm lượng ôxy hòa tan (DO) chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm và cá biển.
Đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thông tin, từ kết quả quan trắc cho thấy, nguyên nhân tôm hùm, cá biển chết trong thời gian qua không phải do dịch bệnh lây lan mà do môi trường vùng nuôi thiếu ôxy. Điều này xuất phát từ việc thời tiết nắng nóng tại địa phương kéo dài, cộng thêm nước ròng, khi nước lớn cũng không vào được vùng nuôi nên không tạo được dòng chảy càng làm giảm khả năng hòa tan ôxy vào nước.
Ông Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III khuyến cáo, đầu tiên, chính quyền và người NTTS ở địa phương cần phải di chuyển hoặc giảm số lượng lồng nuôi trên một đơn vị diện tích ở tại vùng nuôi này; kéo tất cả số lồng nuôi có tôm, cá chết (lồng không còn tôm, cá) lên bờ nhằm giảm tải vùng nuôi và tăng cường sự lưu thông nước. Cùng đó, người nuôi cần phải trang bị một số bình ôxy hay ôxy dạng hạt để xử lý kịp thời, cung cấp ôxy trong giai đoạn tôm, cá nuôi bị thiếu ôxy, nhất là vào ban đêm, lúc thủy triều rút. Qua khảo sát, địa phương và người nuôi cũng đã triển khai lực lượng vớt, thu gom xác cá, tôm chết mang vào bờ xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xác cá, tôm chết trôi nổi trên mặt đầm; do vậy, chính quyền địa phương và người NTTS cần phải thường xuyên, hàng ngày tổ chức vớt, thu gom xác cá, tôm, rác thải… trên đầm để mang vào bờ xử lý, điều này sẽ làm giảm áp lực về môi trường ở vùng nuôi.
Theo ông Nha, dự báo từ nay đến tháng 7/2024, thời tiết nắng nóng ở khu vực miền Trung tiếp tục diễn ra gay gắt. Do đó, địa phương và người nuôi cần triển khai giải pháp ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan. Người nuôi cần thường xuyên nắm bắt thông tin và ứng trực, xử lý kịp thời khi xảy ra diễn biến thời tiết xấu ảnh hưởng đến vật nuôi. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người nuôi thay đổi từ nuôi truyền thống sang hình thức nuôi công nghiệp và mạnh dạn sắp xếp lại các vùng nuôi. Tỉnh cần hỗ trợ các địa phương xác định được sức tải của từng vùng nuôi, từ đó tính toán, khống chế số lượng lồng, bè ở từng vùng nuôi cụ thể. Địa phương cần tính toán mở rộng vùng nuôi tại các khu vực biển hở nhằm giảm áp lực đối với các vùng nuôi đầm, vịnh, ven bờ.
Vân Anh
Theo thống kê UBND thị xã Sông Cầu, tính đến ngày 24/5, 4 địa phương tại địa bàn có người nuôi thủy sản bị thiệt hại do tôm hùm, cá biển nuôi chết hàng loạt (từ ngày 18 - 23/5). Tổng số lồng nuôi có cá, tôm chết là hơn 1.630 lồng của 281 hộ, với số lượng gần 130 tấn, trong đó tôm hùm khoảng 67 tấn, cá biển khoảng 62 tấn. Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là xã Xuân Thịnh, với khoảng 64 tấn tôm hùm, gần 40 tấn cá chết ở 1.590 lồng của 192 hộ nuôi.