(TSVN) – Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Đồng Tháp vừa thông tin về kết quả hoạt động lĩnh vực thủy sản trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, diện tích thả nuôi thủy sản ước đạt 4.540 ha, giảm 6,47% so với cùng kỳ, bằng 93,03% kế hoạch 6 tháng. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 285.196 tấn, tăng 6,64% so cùng kỳ, bằng 104,51% kế hoạch 6 tháng.
Ước giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 5.554 tỷ đồng, tăng 3,22% so với cùng kỳ, bằng 101,98% kế hoạch 6 tháng. Trong đó, giá trị sản xuất cá tra đạt 3.586 tỷ đồng, tôm đạt 97,2 tỷ đồng, thủy sản khác hơn 1.410 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Đồng Tháp đang bước đầu nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật chọn lọc di truyền, kỹ thuật sinh sản nhân tạo, công nghệ sản xuất tôm toàn đực để phát triển ngành thủy sản.
Đồng Tháp hiện có 375 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện. Ảnh: CTV
Bên cạnh đó, tỉnh đã ứng dụng quy trình sản xuất cá rô phi đơn tính sử dụng MT (17α-Methyltestosterone). Quy trình sản xuất này góp phần tạo ra con giống có tốc độ sinh trưởng nhanh và sức sản xuất cao. Tỉnh đã nghiên cứu hoàn thiện công thức thức ăn công nghiệp cải tiến quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, thiết kế ao nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trị bệnh và xử lý môi trường.
Việc xây dựng và hoàn chỉnh quy trình sản xuất nông nghiệp tốt của tỉnh Đồng Tháp ngày càng phát triển. Đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh áp dụng và được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn Quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam là 723 ha.
Trong đó, diện tích nuôi cá được cấp giấy chứng nhận an toàn là 642 ha (tiêu chuẩn ASC là 102,18 ha, GlobalGAP có 20,49 ha; BAP là 103,50 ha; ASC và GlobalGAP có 99,12 ha, GlobalGAP và BAP có 10,46 ha; quy trình VietGAP và tiêu chuẩn ASC là 6,14 ha; quy trình VietGAP là 300 ha).
Diện tích nuôi tôm càng xanh được chứng nhận VietGAP là 81,56 ha tại hợp tác xã tôm càng xanh Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh.
Diện tích nuôi cá rô phi, điêu hồng được chứng nhận tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP và BAP với 44.865 m3/150 bè tại huyện Châu Thành và được chứng nhận VietGAP với 55 lồng, bè/10.583 m3 tại xã Bình Thạnh, Cao Lãnh.
Riêng về lĩnh vực cá tra – thế mạnh của tỉnh, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành hàng cá tra tỉnh giai đoạn 2021 – 2023, kế hoạch đến năm 2025 với nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm giá trị gia tăng đáp ứng điều kiện về chất lượng và an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Giá trị sản xuất giai đoạn 2021 – 2023 liên tục tăng, trong năm 2023 đạt hơn 8.550 tỷ đồng, đạt 94,6% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (ước đến năm 2025 đạt hơn 9.046 tỷ đồng). Giá trị sản xuất ngành cá tra năm 2023 chiếm 17,4% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thủy sản, vượt so với chỉ tiêu năm khoảng 17,2%.
Toàn tỉnh hiện có 375 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.626 ha mặt nước. Trong đó, có 83 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích khoảng 648 ha; 38 cơ sở áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP với diện tích 242 ha.
Về sản xuất giống, toàn tỉnh hiện có 56 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Trong đó, 33 cơ sở sản xuất giống cá tra và 23 cơ sở ương giống cá tra.
Về giám sát môi trường, toàn tỉnh hiện có hơn 628 ha diện tích vùng nuôi có hệ thống xử lý nước thải, bùn thải theo quy định đạt 64,3% chỉ tiêu. Đồng thời khoảng 90% cơ sở nuôi cá tra cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa ngành cá tra chiếm 10% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng.
Hải Đường