(TSVN) – Số liệu mới nhất từ Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất siêu ngành hàng này ước đạt 6,53 tỷ USD.
Cụ thể, trong tháng 5/2024, giá trị nông, lâm thủy sản xuất khẩu đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông sản đạt 2,73 tỷ USD, tăng 14,3%; lâm sản 1,35 tỷ USD, tăng 17,9%; chăn nuôi 45,8 triệu USD, tăng 10,2%; thủy sản 780 triệu USD, giảm 3,5%…
Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đều tăng; trong đó, nông sản đạt 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%.
Hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu đều cao hơn cùng kỳ năm 2023 như: Gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%); cà phê 2,9 tỷ USD (tăng 44,1%); gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%); điều 1,55 tỷ USD (tăng 19,3%); rau quả 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%); tôm 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%).
Thủy sản cùng với các nhóm hàng nông sản khác ghi nhận sự tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm. Ảnh: Phan Thanh
Về thị trường, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào các thị trường đều tăng như: Châu Á tăng 17,5%; châu Mỹ tăng 23,1%; châu Âu tăng 39,4%; châu Phi tăng 26,1% và Châu Đại Dương tăng 24,8%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất với mức tăng trưởng lần lượt là 23,9%; 8,6% và 6,6%.
Với lĩnh vực thủy sản, hiện Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủ số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 về Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 9/5/2024 và sẽ được Bộ tổ chức hội nghị công bố rộng rãi Quy hoạch này.
Tại cuộc họp vào chiều 28/4 giữa Bộ Công thương với Bộ NN&PTNT nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2024; hai Bộ cho rằng, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, cần phải tăng cường sự liên kết, đoàn kết giữa các doanh nghiệp, cùng với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội, ngành hàng. Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế. Cùng đó, đề nghị các hiệp hội, ngành hàng tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do và những yêu cầu của từng thị trường, cũng như những yêu cầu của nước nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại nếu có.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản một cách trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia…; nhằm gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, khai mở và sử dụng hiệu quả những hiệp định tại các thị trường mới còn nhiều tiềm năng.
Được biết, Bộ Công thương cũng chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trên các trang thông tin điện tử của Bộ và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Hồng Hạnh