Lời giải cho bài toán môi trường nuôi tôm hùm miền Trung

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tôm hùm, một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, đang được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa. Tuy nhiên, thực trạng tôm nuôi bị chết tái diễn nhiều năm gần đây mà chủ yếu là do yếu tố môi trường; cho thấy vấn đề này cần được quan tâm hàng đầu, để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững hơn.

Môi trường bị “đầu độc”

Phú Yên và Khánh Hòa là hai địa phương nuôi tôm hùm bằng lồng chủ lực của Việt Nam. Cũng ở hai tỉnh này, năm nào cũng có tôm hùm chết không ít thì nhiều dù không có dịch bệnh. Thường thì tôm hùm chết mà không tìm ra virus, vi khuẩn lây lan bệnh thì đa phần là từ hàm lượng ôxy hòa tan trong nước quá thấp, khiến tôm chết ngạt.

Lâu nay, người dân nuôi trồng thủy sản trên biển ở hai địa phương này phát triển hai dạng lồng nuôi: Thứ nhất, làm bè gỗ hoặc tre đặt trên phi nhựa nổi trên mặt nước, làm những ô lưới để sâu xuống từ 4 – 6 m (vịnh sâu như Vân Phong, Khánh Hòa, làm lưới sâu gần 10 m), chi phí cao. Thứ hai, làm những khung sắt, bao bọc lưới bên ngoài, thả treo lưng chừng nước hoặc để sát đáy biển. Nguồn nước đang bị ô nhiễm, dạng nuôi như thế này hoàn toàn không phù hợp, vì tôm đang nằm trực tiếp trên kho “khí độc”.

Cần tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm hùm. Ảnh: ST

Theo tập quán nuôi tôm hùm của người dân ở vùng này, khoảng tháng 11 đến tháng 3 (Âm lịch) bắt đầu thả tôm giống nuôi, nước biển mát, tôm ít chết. Sang mùa hè nước nóng, tôm thường hay chết, đôi khi chết hàng loạt ở trên diện rộng. Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có độ sâu 30 – 40 m, dòng chảy mạnh, nhưng tôm vẫn bị chết với số lượng lớn, nhiều hộ thiệt hại lên đến 70%.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản chia sẻ, mật độ nuôi lồng bè tại tỉnh Khánh Hòa quá lớn, số lượng lồng chìm, lồng nổi đặt quá nhiều, quá dày nên nguy cơ dịch bệnh rất cao; ngành thú y sẽ rất khó để kiểm soát một khi dịch bệnh xảy ra. Đó là chưa kể với lồng bè gỗ thiết kế khá đơn giản như hiện nay, nếu có thiên tai thì thiệt hại sẽ rất lớn… Do đó, địa phương cần phải sắp xếp nuôi trồng thủy sản tại khu vực này theo đúng vùng quy hoạch, tổ chức nuôi theo đúng quy định. Vì nuôi quá dày nên rác thải, xác cá chết không được thu dọn đúng cách sẽ bám vào lồng nuôi trở thành ổ vi khuẩn lây bệnh cho tôm, cá nuôi. Ngoài ra, mỗi ngày, hàng trăm tấn thức ăn tươi đổ xuống vùng nuôi này; qua nhiều năm tích tụ, lượng bùn đọng trong vịnh rất lớn, môi trường vùng nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, thực tế những năm gần đây người dân càng nuôi tôm càng bị thua lỗ. Do vậy, cần thay đổi căn bản phương án nuôi tôm hùm ở Phú Yên và Khánh Hòa, nếu hộ nào xét thấy không an toàn nên dừng lại, không mở rộng quy mô nuôi trồng. Chuyển đổi sang làm bè nuôi bằng vật liệu nhựa chuyên dụng, chịu được sóng gió tốt, vươn ra xa hơn có dòng chảy lớn, nguồn nước trong sạch, giảm hao hụt trong nuôi trồng, tăng lợi nhuận.

Quản lý vùng nuôi hiệu quả hơn

Tại TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, việc nuôi thủy sản trên biển phát triển một cách tự phát với số lượng lớn trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, với số lồng nuôi hiện nay lên đến khoảng 100.000 lồng tôm hùm, cá biển các loại. Hiện nay, diện tích được phép nuôi thủy sản bằng lồng bè trên địa bàn chỉ có 257 ha, trong đó có 27   ha ở khu vực Bình Hưng và 230 ha mặt nước phía đông xã Cam Lập. Tại các khu vực này chỉ bố trí được khoảng 10.000 lồng nuôi. Số lượng lồng nuôi trên những diện tích mặt nước còn lại trong vịnh Cam Ranh đều nằm ngoài khu vực được phép nuôi. Trong số gần 2.000 hộ nuôi thủy sản lồng bè tại địa phương này, không có hộ nào được cấp phép.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, cần phải có kế hoạch thực hiện quản lý, cấp phép nuôi trồng, giao khu vực biển để nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch này. Trong đó, phải xác định rõ khu vực được phép nuôi dài hạn để thực hiện cấp phép nuôi thủy sản; khu vực nuôi ngắn hạn để tiến tới bắt buộc di dời, xử lý; nghiên cứu các mô hình tổ chức, sắp xếp việc nuôi trồng hiệu quả của các địa phương khác trên địa bàn toàn quốc để áp dụng vào công tác quản lý nuôi thủy sản trong tỉnh; tham mưu chế tài phù hợp, đủ mạnh, đúng quy định để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, nguyên nhân tôm chết hàng loạt trong những năm qua đa số là do nuôi quá dày đặc khiến môi trường nước bị ô nhiễm, đồng thời gặp thời tiết nắng nóng kết hợp mưa dông dẫn đến môi trường nước thay đổi đột ngột, khiến tôm chết hàng loạt. Để giảm thiểu rủi ro khi nuôi thủy sản, người nuôi phải kiểm soát được mật độ thả nuôi, kiểm soát nguồn thức ăn, theo dõi tình hình thời tiết, trong quá trình nuôi phải có ý thức bảo vệ môi trường, thu gom thức ăn thừa. Hiện, Chi cục đang lập đề án nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh; đồng thời khuyến cáo người nuôi tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mặt nước của địa phương để phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững.

Vân Anh

PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III đề xuất, về lâu dài, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người nuôi thay đổi, chuyển từ nuôi truyền thống sang hình thức nuôi công nghiệp và mạnh dạn sắp xếp lại các vùng nuôi. Đồng thời, cần hỗ trợ các địa phương xác định được sức tải của từng vùng nuôi, từ đó tính toán, khống chế số lượng lồng, bè ở từng vùng nuôi cụ thể. Cần tính toán mở rộng vùng nuôi tại các khu vực biển hở, nhằm giảm áp lực đối với các vùng nuôi đầm, vịnh, ven bờ.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!