Tiền Giang quyết liên kết “3 nhà”

Chưa có đánh giá về bài viết

Những ngày này, đến các vùng nuôi cá tra thâm canh Cái Bè, Cai Lậy…, thấy trại nuôi nào cũng buồn hiu, vắng tanh; kho không còn thức ăn, cá trong ao thì ốm nhom do chỉ được cho ăn cầm chừng…

Nông dân lỗ nặng

Ông Phạm Văn Tất có ao cá tra 4.000m2 ở ấp Khu Phố, xã Hoà Hưng, huyện Cái Bè, nói: “Vụ trước, ao này cũng làm tôi lỗ hàng trăm triệu đồng. Giờ đây giá cá cũng chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, trong khi phải bán hơn 23.000 đồng/kg mới có lãi. Do đó, dù ao cá ở ngay trước nhà nhưng cả tháng nay tôi chẳng thèm ra thăm”.

Ông Trần Văn Mười có 2 ao cá tra 7.500m2 kế bên, cho biết vừa thu hoạch một ao cá tra 3.500m2, sản lượng gần 100 tấn, giá bán chỉ 19.700 đồng/kg, thu hoạch xong tính ra lỗ 230 triệu đồng. “Nếu giá cá tra thời gian tới không có gì khởi sắc thì chắc chúng tôi phải bỏ nghề, vì càng nuôi càng lỗ”, ông Mười than thở.

Thời điểm này, cá thương phẩm tại Tiền Giang được doanh nghiệp mua tại ao với giá 19.500 – 20.000 đồng/kg, trong khi đó, giá thành nuôi 21.000 – 23.000 đồng/kg, nên bình quân mỗi ha người nuôi lỗ từ 400 triệu đến hơn 1 tỷ đồng.

 

Vùng nuôi co cụm

Giá cá tra thấp hơn giá thành sản xuất khiến không chỉ người nuôi nhỏ lẻ gặp khó, mà ngay cả những doanh nghiệp nuôi cá có nhà máy chế biến xuất khẩu cũng tính chuyện co cụm sản xuất hay cho ăn cầm chừng.

Ông Phan Văn Ril, quản lý trại nuôi cá tra của Công ty Nam Phương (Cần Thơ) với 5 ao, diện tích 40.500m2 ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè cho biết, những ao cá này đã thả nuôi 7 – 8 tháng nhưng trọng lượng mỗi con bình quân chỉ 400 – 500 gram do chỉ cho cá ăn cầm chừng mỗi tuần 4 lần. Thu hoạch xong vụ này thì năm sau cũng sẽ trả đất thôi nuôi.

Trong khi đó, mô hình nông dân nuôi gia công cho doanh nghiệp cũng bộc lộ nhiều bất cập, khi doanh nghiệp thường nằm “kèo trên”. Theo ông Trần Thanh Hồng Hải có ao nuôi cá tra 8.000m2 ở Tân An, Tân Phong, Cai Lậy, năm ngoái ông nuôi gia công cho một công ty chế biến cá tra xuất khẩu, theo đó công ty sẽ cung cấp thức ăn theo hệ số 1,6 và thu hoạch sẽ bắt toàn bộ cá với mức khoán chi phí con giống, thuốc men, nhân công, tiền thuê ao 5.000 đồng/kg. Tính ra còn lãi 2.500 đồng/kg, nhưng đến nay công ty vẫn chưa trả tiền.

Nông dân thu hoạch cá tra vào thời điểm này sẽ lỗ nặng, do giá cá dưới giá thành sản xuất

Ông Lê Thanh Dung, Chủ nhiệm HTX cá tra Hòa Hưng, cho biết trong hợp đồng nuôi gia công, doanh nghiệp cam kết cung cấp đủ thức ăn theo từng độ đạm nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp thường cung cấp thức ăn không đủ số lượng cần thiết theo từng giai đoạn phát triển của cá hay thức ăn không đảm bảo chất lượng khiến cá không phát triển tốt, người nuôi chịu thiệt.

 

Không thể “đơn thương độc mã”

Theo ngành nông nghiệp, sở dĩ giá cá tra giảm, người nuôi thua lỗ phải cho ăn cầm chừng là do thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, chưa có biện pháp chế tài khi một trong hai bên không thực hiện đúng hợp đồng. Tiêu chuẩn chất lượng thịt chưa rõ ràng, nên các công ty chế biến thu mua cá tra lợi dụng ép giá, gây khó cho người nuôi.

Mặt khác, đàn cá tra bố mẹ đang có dấu hiệu suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng cá giống, tỷ lệ ương cá tra giống đạt thấp (8 – 10%), bệnh trên cá ngày càng khó trị, cá nuôi thương phẩm chậm lớn dẫn đến hệ số thức ăn cao. Người nuôi cá tra thua lỗ không có vốn tái sản xuất, hầu hết các hộ nuôi không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước.

Để vực dậy và phát triển bền vững nghề nuôi cá tra thời gian tới, theo ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cần hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa “ba nhà” (người nuôi cá, nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến và xuất khẩu) để cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong chuỗi sản xuất cá tra.

Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, đẩy nhanh tiến độ thay thế đàn cá tra bố mẹ; sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia về quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh cá tra; quy định giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi với thời gian vay trung hoặc dài hạn để người nuôi cá có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất.

>> Tổng diện tích ao nuôi cá tra toàn tỉnh Tiền Giang hiện nay 123,3 ha, giảm 3,7 ha so với năm 2012; trong đó diện tích nuôi cá thể 38,8 ha, diện tích nuôi của công ty 65,9 ha, diện tích nuôi gia công 3 ha, diện tích nuôi của hợp tác xã 15,6 ha.

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!