(TSVN) – Với chiều dài bờ biển 125 km, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn hơn 40.000 km2, hình thành nhiều ngư trường với nguồn lợi hải sản phong phú là tiềm năng to lớn để tỉnh Quảng Nam phát triển kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực khai thác thủy sản.
Quảng Nam là tỉnh có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng; có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm ở trung độ của cả nước, có đầy đủ hạ tầng hàng không, đường biển, cảng biển, đường sắt, đường bộ và cửa khẩu quốc tế; có diện tích lớn với đường bờ biển dài, dân số đông, có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối các tỉnh, thành phố trong nước cũng như các nước trong khu vực; là địa điểm triển khai mô hình Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước, trở thành một cửa ngõ hội nhập của quốc gia. Ngoài ra, Quảng Nam được đánh giá là tỉnh thực hiện tốt việc bảo tồn đa dạng sinh học, không những trong nước mà các tổ chức quốc tế công nhận và đánh giá cao.
Phát triển bền vững kinh tế biển được xác định có tầm quan trọng với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hải Long
Quảng Nam có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, với các hệ sinh thái đặc thù, bao gồm nhiều quần thể như san hô, các loài hải sản đa dạng, phong phú quý hiếm có giá trị kinh tế cao; có Di sản Văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An với nhiều danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc cổ lâu đời có giá trị. Đây cũng là một trong những lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch, văn hóa, lịch sử, biển đảo và sinh thái; các di sản văn hóa gắn kết với tài nguyên du lịch biển trong tổng thể Trung tâm du lịch miền Trung.
Hiện tại, cùng với Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang hoạt động hiệu quả, các khu vực rạn san hô Tam Hải, rừng dừa nước Tịch Tây (Tam Nghĩa), rạn Bà Đậu Tam Tiến (cùng thuộc Núi Thành); rạn Kỳ Trân Bình Hải (Thăng Bình); cồn rong Duy Hải, bãi giống thủy sản Hồng Triều Duy Nghĩa, rừng dừa nước Trà Nhiêu Duy Vinh (cùng thuộc Duy Xuyên); khu rừng dừa nước Cẩm Thanh, bãi giống thủy sản Cẩm Kim (Hội An) đang được chính quyền địa phương quan tâm. Diện tích bảo tồn biển trên địa bàn Quảng Nam đã lên hơn 550 km2.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, xác định tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong những năm qua tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch gắn với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững các ngành kinh tế biển. Hình thành chuỗi đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, như: Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, chuỗi các đô thị gắn với dự án du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp ven biển ở Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành. Một số dự án du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng quy mô lớn trên địa bàn vùng Đông Nam của tỉnh đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển. Song song với đó, phát triển kinh tế biển đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Kế thừa những kết quả đạt được trong thời gian qua, phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của kinh tế biển; thời gian đến, Quảng Nam tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển; Quy hoạch sử dụng không gian biển gắn với mục tiêu quản lý liên kết vùng, giữa các địa phương có biển và không có biển, giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành lân cận (Đà Nẵng, Quảng Ngãi) tạo đòn bẩy mới cho khu vực ven biển phát triển bền vững.
Bà Lê Thủy Trinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo của tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển trong lành, hài hòa với thiên nhiên. Do đó, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường biển được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh thời gian tới. Thực hiện hiệu quả Chiến lược khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 03/4/2023 của Chính phủ. Đồng thời, triển khai các chương trình, kế hoạch bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý, bền vững các hệ sinh thái của tỉnh, như: Hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, hệ sinh thái rạn san hô xã Tam Hải, Tam Tiến.
Cùng đó, tập trung huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế vùng Đông theo hướng dịch vụ du lịch – công nghiệp – kinh tế biển – nông nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy phát triển cho cả tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, đáp ứng yêu cầu vươn xa để đánh bắt, khai thác hải sản và mua sắm các trang bị, phương tiện cần thiết để khai thác thủy sản ngày một hiệu quả hơn.
Hải Lý
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nên ra các đột phá phát triển; trong đó, có mục tiêu xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, động lực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên với hệ thống giao thông đồng bộ; liên kết vùng và quốc tế; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển sinh thái, hiện đại; hạ tầng nông nông nghiệp, nông thôn bền vững.