(TSVN) – Công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, người đứng đầu ở ngành, địa phương.
Chính vì vậy, thời gian qua Quảng Ngãi là một trong những địa phương rất tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân địa phương.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 6, tổng số tàu cá của tỉnh đã đăng ký là 4.212 chiếc; số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản là 3.659/4.212 tàu cá, đạt tỷ lệ 86,87%, trong đó tàu có chiều dài từ 15 m trở lên 2.913 chiếc/3.086 tàu cá, đạt tỷ lệ 94,39%.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.950 tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỷ lệ 99,46% (không tính 120 tàu nằm bờ; hiện còn 16 tàu chưa lắp VMS đã được các địa phương theo dõi, quản lý, không cho phép hoạt động).
Từ đầu năm 2024 đến nay, ban quản lý các cảng cá đã cấp 94 giấy xác nhận cho 2.469,7 tấn hải sản. Các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 15 trường hợp trên tổng số 15 phương tiện, với số tiền 276.500.000 đồng.
Theo ghi nhận, số tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản) trên toàn tỉnh hiện là hơn 800 tàu, tập trung ở nhóm tàu có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m, thuộc nhóm hộ kinh tế khó khăn, hoạt động ở ven bờ, tập trung tại các xã bãi ngang, ven biển.
Như tại phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, hiện có 407 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản. Trong số này có 107 tàu cá thuộc diện không đăng ký, đăng kiểm. Chính điều này đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý phương tiện. Cùng đó, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cũng là địa phương có số lượng tàu cá “2 không” (không đăng ký, không đăng kiểm), “3 không” lớn với hơn 100 chiếc. Các tàu này được mua từ tỉnh Quảng Nam (từ năm 2015 – 2017), không đủ điều kiện đăng kiểm, đăng ký theo quy định vì không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về tiêu chuẩn, quy phạm về đóng sửa tàu cá, không có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành. Một số tàu cá nhỏ phát triển tự phát chưa đăng ký được.
Để tháo gỡ các vướng mắc này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá. Theo đó, Thông tư này cho phép tàu cá đã đóng mới, cải hoán, mua bán, cho tặng đang hoạt động nhưng không đủ hồ sơ được đăng ký, đăng kiểm và cấp phép khai thác thủy sản. Việc bảo đảm tất cả tàu cá do địa phương quản lý được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép không chỉ giúp ngư dân yên tâm bám biển mà còn giúp công tác quản lý tàu cá được đi vào nền nếp theo đúng khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Như vậy, hơn 800 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi thuộc diện điều chỉnh của Thông tư 06 và được chia thành 2 nhóm. Nhóm tàu từ 6 m đến dưới 12 thì phải kê khai đăng ký, có xác định của chính quyền địa phương nơi cư trú và nộp phí theo quy định. Đối với nhóm tàu trên 12 m thì ngoài thực hiện như nhóm tàu từ 6 m đến dưới 12 m còn phải thực hiện đăng kiểm trước khi nộp hồ sơ. Tỉnh quảng Ngãi phấn đấu đến 31/12/2024, toàn bộ số tàu “3 không” sẽ được kiểm tra, đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép ra khơi hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh cũng đang phối hợp với các địa phương đi kiểm tra tàu trước khi làm thủ tục đăng ký; lịch kiểm tra từ tháng 6, tháng 7 và cố gắng hoàn thành trong tháng 9 năm nay. Đối với tàu dưới 12 m phải kiểm tra lại các thông số cơ bản, các nghề và trang thiết bị an toàn đảm bảo trên tàu đảm bảo đúng thì mới triển khai bước tiếp theo là cấp phép. Đối với tàu 12 m trở lên đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá hướng dẫn chủ tàu tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính để được cấp phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị về chống khai thác IUU.
Cùng với việc tháo gỡ vướng mắc cho các tàu cá “3 không”, trong công tác chống khai thác IUU, tỉnh Quảng Ngãi cũng kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Thực hiện cao điểm công tác thực thi pháp luật, xử phạt 100% các hành vi khai thác IUU được phát hiện, không có trường hợp ngoại lệ, trong đó: Tập trung tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác IUU; điều tra, xác minh, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm mất kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tàng trữ hoặc lưu giữ, gửi thiết bị VMS…
Hồng Hạnh
Quảng Ngãi là tỉnh Nam Trung bộ với bờ biển dài hơn 131 km, toàn tỉnh có đội ngũ tàu khai thác hải sản trên biển khá lớn gồm 4.242 phương tiện (trong đó, có 1.743 phương tiện thường xuyên đánh bắt xa bờ). Xác định phòng, chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục “thẻ vàng” của EC, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là ngăn chặn tàu cá ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.