(TSVN) – Theo dự kiến của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng 6% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thủy sản dần khôi phục tại nhiều thị trường, tuy nhiên vấn đề chất lượng, tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với một số mặt hàng đang là vướng mắc cần sớm giải quyết.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản có thể đạt trên 4,4 tỷ USD.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ đầu năm đến nay, trong các sản phẩm thủy sản chính có mực, bạch tuộc và các loại cá (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái. Song xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ (lần lượt là 7% và 4%); xuất khẩu cua, ghẹ tăng mạnh nhất (84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.
Hiện, 4 thị trường lớn nhất nhập khẩu thủy sản Việt Nam là: Hoa Kỳ Trung Quốc, Nhật Bản và EU. Tuy nhiên, từ đầu năm, chỉ thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu tích cực với mức tăng trưởng 7% trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ (2%).
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Năm 2024, ngành thủy sản phấn đấu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Song, thách thức lớn nhất đối với thủy sản Việt Nam vẫn là chất lượng và cảnh báo từ Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Việc vướng cảnh báo thẻ vàng IUU đang là cản trở lớn để xuất khẩu thủy sản tăng trưởng bền vững.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản thông tin, kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, giá trị xuất khẩu vào thị trường EU sụt giảm bình quân 6 – 10%/năm. Trước kia, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm 17 – 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản), đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).
Để chủ động đối với việc tháo gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam, những năm qua, Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác theo yêu cầu từ thị trường thế giới. Với khai thác thủy sản, phấn đấu tới năm 2030 tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc; cơ cấu nghề khai thác thủy sản bao gồm nghề lưới kéo chiếm 10%, nghề lưới vây 6,1%, nghề lưới rê 40,3%, nghề câu 18,9%, nghề lưới chụp 3,0%, nghề lồng bẫy 2,9%…
Được biết, Đoàn thanh tra của EC dời lịch sang Việt Nam kiểm tra gỡ “thẻ vàng” IUU vào khoảng tháng 9, 10 năm nay, thay vì tháng 5 như dự kiến hồi đầu năm. Với những nỗ lực trên, ngành thủy sản Việt Nam kỳ vọng EC sớm gỡ thẻ vàng IUU nhằm thúc đẩy thủy sản phát triển, trở thành chủ lực của xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Tuệ Lâm