(TSVN) – Hệ số chuyển đổi thức ăn – FCR (Feed Conversion Ratio) là một chỉ tiêu hàng đầu của nuôi tôm hiệu quả. FCR không chỉ phụ thuộc vào chất lượng thức ăn, chế độ cho ăn mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý trang trại.
Để khắc phục và cải thiện FCR thì điều đầu tiên cần lưu ý đó chính là chỉ nên chọn mua con giống rõ nguồn gốc, không mang mầm bệnh. Tốt nhất là nên đến mua trực tiếp tại các nơi cung cấp giống uy tín, chất lượng, tuyệt đối không mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Lựa chọn loại thức ăn phù hợp với từng giai đoạn của tôm. Ảnh: Phibro
FCR bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó có chất lượng thức ăn. Do đó, nên lựa chọn các loại thức ăn có tính dẫn dụ, độ tiêu hóa và chuyển hóa cao.
Thành phần dinh dưỡng của thức ăn cho TTCT có thể thay đổi tùy theo giai đoạn sinh trưởng của chúng. Ở giai đoạn giống, nhu cầu dinh dưỡng của tôm cao hơn so với các giai đoạn khác. Ở giai đoạn hậu ấu trùng, nhu cầu dinh dưỡng của tôm tập trung vào sự phát triển của cơ thể và hệ tiêu hóa. Ở giai đoạn tăng trưởng, nhu cầu dinh dưỡng của tôm tập trung vào sự phát triển của cơ thể và sinh sản. Ở giai đoạn trưởng thành, nhu cầu dinh dưỡng của tôm tập trung vào việc duy trì cơ thể và sinh sản. Do đó, người nuôi cần lựa chọn loại thức ăn phù hợp với từng giai đoạn của tôm.
Thông thường TTCT được cho ăn 3 – 5 lần/ngày, khoảng cách thích hợp giữa 2 lần cho ăn là 4,5 giờ với nhiệt độ nước 28 – 30ºC. Với phương pháp cho ăn thủ công, hoạt động cho tôm ăn thường diễn ra vào thời điểm ban ngày. Nếu cho ăn 4 lần/ngày thì khoảng cách giữa 2 lần cho ăn chỉ khoảng 3 giờ, và như vậy thức ăn thừa giữa 2 lần cho ăn sẽ tăng lên. Tốt nhất là giảm số lần cho ăn từ 4 còn 3 lần/ngày – để đảm bảo khoảng cách giữa 2 lần cho ăn là 4,5 giờ – sẽ giúp tôm ăn hiệu quả hơn và giảm FCR.
Không nên cho tôm ăn quá muộn bởi lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi sẽ giảm thấp vào ban đêm khiến ao nuôi gặp phải tình trạng thiếu ôxy.
Thức ăn cần được bảo quản trong kho riêng, cách xa các khu vực sản xuất, chế biến thực phẩm khác. Kho bảo quản thức ăn cần được xây dựng kiên cố, đảm bảo khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Thường xuyên vệ sinh để ngăn ngừa côn trùng, chuột, gián xâm nhập và gây hại. Sử dụng thức ăn trong vòng 2 – 3 tháng sau khi sản xuất. Nếu thức ăn để quá lâu, chất lượng dinh dưỡng sẽ giảm sút.
Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên kiểm soát các yếu tố môi trường (pH, nhiệt độ, nồng độ khí độc NH3, NO2, NO3…) trong ao nuôi. Đặc biệt là hàm lượng ôxy hòa tan. Ở mật độ nuôi cao, các ao cần được trang bị quạt nước để duy trì ôxy ở mức ≥ 4 mg/lít. Tuy nhiên do bố trí quạt nước không phù hợp nên tạo ra dòng chảy quá nhanh trong ao, đặc biệt ở những ao lót bạt. Nếu tất cả quạt nước hoạt động trong lúc cho ăn, dòng nước có thể mang thức ăn vào giữa ao. Do đó, cách để ngăn chặn vấn đề này là tắt một số quạt nước trong thời điểm cho ăn để tránh dòng nước mang thức ăn vào giữa ao. Tuy nhiên, không nên tắt tất cả các quạt nước cùng lúc, đặc biệt khi tôm lớn hơn.
Đường ruột tôm là cơ quan quan trọng nhất cho việc tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng và chuyển hóa thức ăn thành thịt tôm. Do đó, sức khỏe đường ruột tôm có ảnh hưởng trực tiếp đến FCR. Hiện nay, việc sử dụng men vi sinh để tạo môi trường lợi khuẩn cao, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và kích thích hoạt động của hệ miễn dịch là biện pháp phổ biến giúp giảm FCR. Có thể trộn men vi sinh vào thức ăn cho tôm, ngoài ra cũng nên bổ sung Vitamin C để giúp tăng sức đề kháng trên tôm, loại bỏ các vi khuẩn gây hại, tôm bắt mồi mạnh và tiêu hóa chuyển đổi thức ăn cao làm giảm FCR, tạo lợi nhuận cho người nuôi.
Thái Thuận