(TSVN) – Hỏi: Sau thời gian mưa kéo dài, các yếu tố môi trường ao nuôi tôm thường có nhiều biến động. Xin tư vấn các giải pháp quản lý để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm?
(Trần Thị Thúy, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)
Trả lời:
Ngay sau những cơn mưa, người nuôi cần phải kiểm tra những biểu hiện hoạt động của tôm như hình dạng bên ngoài, màu sắc, phản xạ, đường ruột của tôm, lượng thức ăn… Đồng thời, kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi tôm như: pH, độ kiềm, độ đục, độ mặn. Nếu có dấu hiệu bất thường cần xử lý ngay để hạn chế những bất lợi cho tôm nuôi.
Khi mực nước ao tôm cao do nước mưa cần xả bớt lượng nước tầng mặt để duy trì mực nước trong ao. Khi xả nước, cần chú ý tránh làm giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi, tránh tràn bờ, vỡ cống (sau cơn mưa thường thì lượng nước trong ao nuôi rất lớn).
Đảm bảo DO ở ngưỡng thích hợp cho sự phát triển của thủy sản nuôi. Tiến hành chạy quạt nước và sục khí liên tục để cung cấp ôxy trong ao. Bên cạnh đó cũng nên cần dự trữ thêm ôxy viên để đề phòng cho trường hợp thiếu ôxy khẩn cấp trong ao nuôi.
Sau những cơn mưa lớn nước ao tôm thường bị đục do chất hữu cơ, hạt sét, phù sa bị nước mưa cuốn trôi từ trên bờ xuống; làm hạn chế khả năng quang hợp của tảo làm tôm thiếu ôxy và tảo tàn đột ngột… Để khắc phục tình trạng này có thể sử dụng thạch cao với liều lượng 30 kg/1.000 m³ và lặp lại 2 – 3 lần. Tuy nhiên, cần phải chú ý tăng độ kiềm lên trên 100 mg/lít rồi mới sử dụng. Sau khi nước giảm đục thì cần tiến hành gây màu tảo để tạo môi trường ổn định cho tôm nuôi.
Cần rải vôi (dạng khô) dọc theo bờ ao khi trời mưa với liều lượng 10 kg/100 m². Đồng thời, lấy đá vôi non (CaCO3) nghiền hòa vào nước, chắt lấy nước với liều 15 – 20 kg/100 m³ hoặc hòa vôi bột (vôi nung để tỏa) vào nước với lượng 4 – 6 kg/100 m³ nước tạt đều xuống ao sau khi trời mưa (chạy quạt để trộn đều nước), xử lý từ từ cho đến khi pH nằm trong ngưỡng cho phép (từ 7,5 trở lên) trong mùa mưa.
Nếu sau mưa độ kiềm trong nước thấp cần dùng Dolomite ngâm vào nước ngọt trong 24 giờ, sau đó tạt đều xuống ao vào 8 – 10 giờ đêm theo liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m³ xử lý từ từ cho đến khi độ kiềm đạt ngưỡng cho phép (cứ 1,655 gram vôi Dolomite sử dụng 1 m³ nước, tăng độ kiềm lên 1 mg/lít). Lưu ý, mỗi lần tăng độ kiềm chỉ nên tăng khoảng 10 mg/lít, bởi nếu độ kiềm tăng quá nhanh sẽ làm tôm bị sốc, sức đề kháng giảm.
Khi thấy thời tiết thay đổi có nhiều mây, sắp mưa cần giảm lượng thức ăn hoặc ngừng cho ăn nếu mưa đến gần. Sau khi mưa dứt thì mới bắt đầu cho tôm ăn trở lại nhưng lượng thức ăn giảm 30 – 50% so với bình thường do các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột làm tôm bị sốc, giảm ăn.
Ban KHKT