Đồ ăn bán ở chợ Việt Nam rất tươi, khác với sản phẩm đã đóng gói được bày bán ở Mỹ. Nhìn vào chợ cứ thấy loạn xạ, nhưng ai cũng có vẻ giao tiếp tốt đẹp, thông thạo đường đi nước bước và hàng hóa được mua bán nhanh chóng, hiệu quả.
Brooke Warren Sinh viên Khoa Báo ảnh, Đại học Western Washington, Mỹ; Biên tập viên ảnh Tạp chí Klipsun |
Để biết người bán lẻ ở chợ nhỏ lấy hàng từ đâu, tôi đến chợ bán sỉ Bình Điền (TP.HCM) lúc trời chưa sáng hẳn, nhìn thấy hành trình của cá từ nơi sản xuất đến các vựa cá, rồi đến những người bán lẻ. Tôi được một người bán cá đặt con cá sống còn đang quẫy vào lòng bàn tay. Tôi đứng xem những người chở cá thả các thùng cá từ trên xe tải xuống, những chủ vựa phân phối những thùng cá cho các đầu mối và những người quản lý đếm số tiền thu được. Tất cả diễn ra trong những vựa cá nồng mùi biển, loang loáng nước tràn lan khắp sàn. Tôi “ngập” theo nghĩa đen trong hệ thống lưu thông phân phối thực phẩm ở TP.HCM khi đi trong những chợ này và học hỏi cách nào mà những nơi đó diễn ra đủ tất cả các loại hình trao đổi bán mua.
Nếu thực phẩm ở chợ đến thẳng từ sông, biển, ruộng vườn Việt Nam thì dường như cũng có xu hướng ngược lại ở các siêu thị mới phát triển nơi đây. Tôi thấy thực phẩm ở các siêu thị có thứ được sản xuất, chế biến và vận chuyển từ châu Âu, Nam Mỹ, Mỹ và các nước Á châu khác. Có thể nói, siêu thị là một cái mốc thay đổi trong hệ thống phấn phối thực phẩm ở Việt Nam, nó tiêu biểu cho sự kết nối của Việt Nam với thế giới và hệ thống thực phẩm hiện đại.
Các vấn đề thương mại hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam là gì? Có phải cuộc chiến cá da trơn đã đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của cá tra Việt Nam trên thị trường cá da trơn toàn cầu?… là những câu hỏi mà tôi mang theo đến Việt Nam. Tuy chưa tìm được ngay câu trả lời, nhưng tôi lại khám phá ra một điều rất thú vị, đó là cái thế giới mà tôi từng nghĩ rất cách biệt với thế giới tôi sống hóa ra lại có những kết nối trong nhiều phương diện hơn tôi tưởng. Ban đầu, kiến thức của tôi về Việt Nam chỉ là những giai thoại, ẩn dụ về chiến tranh Việt – Mỹ mà tôi nghe trong những lớp học lịch sử và từ những người thuộc thế hệ đã sống qua cuộc chiến ấy. Tôi thử gắn cuộc đôi co thương mại giữa hai nước và cuộc chiến tranh trước đó, nghĩ rằng có thể có mối tị hiềm chưa giải quyết xong giữa hai nước. Giờ thì tôi nhận ra rằng cuộc đôi co thương mại ấy là một bước trên con đường phát triển hữu nghị hơn là khác biệt, là những dàn xếp với nhau để chúng ta cùng ngồi xuống chia sẻ thực phẩm trên một bàn ăn, dù tốt hơn hay dở hơn. “Chúng ta là cái chúng ta ăn”, hay nói cách khác: thực phẩm chúng ta ăn biểu lộ văn hóa của chúng ta. Và để tìm hiểu Việt Nam thì không có cách nào thú vị hơn là tìm hiểu thực phẩm mà người Việt Nam ăn trong nước hoặc đưa ra ngoài nước cho người khác thưởng thức.
Hải Băng
(lược dịch từ Brooklynwarren.wordpress.com)