(TSVN) – Ưu tiên quy hoạch vùng nuôi, chú trọng chất lượng con giống, đầu tư về kỹ thuật giúp nghêu nhanh lớn, ít dịch bệnh, cho năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định. Nghề nuôi nghêu đã giúp người dân một số địa phương sống ven sông, ven biển ổn định sinh kế.
Vùng cửa sông Vịnh đoạn thuộc xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh có diện tích bãi bồi ven sông khá rộng lớn. Nơi đây có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho con nghêu sinh trưởng phát triển. Vì thế, từ nhiều năm nay, người dân sống tại các thôn Bắc Hà, Tây Hà (thuộc xã Kỳ Hà) đã tận dụng lợi thế này để phát triển nghề nuôi nghêu thương phẩm.
Hàng chục năm nay, nghề nuôi nghêu đã giúp người dân ven sông, ven biển ổn định sinh kế
Ông Nguyễn Tiến Thắng- Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Hà, Thị xã Kỳ Anh cho biết: Nghề nuôi nghêu tại xã Kỳ Hà đã có từ hơn chục năm về trước, nhưng do thiếu kinh nghiệm, nghêu bị chết nhiều, nhất là những năm bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, hầu như người dân bỏ hẳn nghề. 2 năm sau đó, một số hộ dân quay trở lại với nghề. Cùng đồng hành với người dân trong khắc phục sự cố môi trường biển, tạo sinh kế, chính quyền địa phương quy hoạch lại bãi nuôi, giao cụ thể cho từng hộ dân có nhu cầu để phát triển nghề nuôi nghêu trở lại. Các hộ nuôi nghêu chấp hành nghiêm túc các quy định, tuyệt đối không thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, không có tình trạng tranh chấp, lấn chiếm diện tích vùng nuôi. Cùng với đó, chú trọng chất lượng con giống, thời vụ, nên năng suất, chất lượng nghêu thương phẩm càng tăng.
Hiện nay, xã Kỳ Hà có 15 ha đất bãi triều phục vụ nuôi nghêu thương phẩm đã được quy hoạch, sản lượng mỗi năm gần 500 tấn. Nghề nuôi nghêu đã giúp cuộc sống nhiều hộ dân khấm khá, tạo sinh kế bền vững.
Gia đình ông Nguyễn Văn Việt ở thôn Bắc Hà, xã Kỳ Hà, một trong những hộ dân có truyền thống nuôi nghêu lâu đời tại ven sông Vịnh này. Từ khi bãi triều này được quy hoạch lại, gia đình ông nhận khoán diện tích 2 ha để nuôi nghêu thương phẩm, có bãi nuôi riêng nên công tác quản lý, chăm sóc thuận tiện hơn trước kia.
Ông Việt chia sẻ: Nuôi nghêu không cần chi phí nhiều, không yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng điều quan trọng là lựa chọn con giống chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng; thời vụ, mật độ thả nuôi hợp lý; chú trọng san thưa theo giai đoạn phát triển của nghêu, vệ sinh bãi nuôi, thời điểm thu hoạch hợp lý để hạn chế hao hụt và nghêu có chất lượng thịt ngon nhất.
Ông Việt phấn khởi vì vụ nghêu năm nay được mùa
Theo đánh giá của ông Việt, trên thị trường có nhiều giống nghêu khác nhau. Tuy nhiên, từ khi đưa giống nghêu Bến Tre về nuôi, sản lượng thu hoạch tăng lên hẳn. Nếu trước kia, thả giống nghêu địa phương, thường bị hao hụt do nghêu bị chết thì giống nghêu Bến Tre có sức đề kháng tốt hơn, nên tỷ lệ sống cao, kích cỡ nghêu đồng đều, năng suất theo đó cũng tăng lên 20 – 30% so với trước kia.
Trên diện tích 2 ha bãi triều, mỗi năm thả nuôi 13 tấn nghêu giống loại 500 con/kg, sản lượng thu hoạch đạt trên 40 tấn nghêu thương phẩm, với giá bán giao động tùy thời điểm, từ 10.000 – 14.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Việt bỏ túi hơn 100 triệu đồng.
Những ngày này, trên bãi triều ven sông Quèn, xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên), hầu như ngày nào cũng có người ra bãi thu hoạch nghêu. Nghề nuôi nghêu vùng này không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các chủ vựa nuôi mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho khá nhiều lao động địa phương. Cứ mỗi lần thu hoạch, cần 5 – 7 lao động mới có thể kịp cung ứng cho khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Tâm, một lao động được thuê thu hoạch nghêu tại xã Cẩm Lộc cho hay: Chúng tôi phải dậy sớm, ra bãi từ 5 giờ sáng, nếu thời tiết mát mẻ có thể thu hoạch đến 10 giờ sáng, nhưng hôm nào trời nắng nóng, chúng tôi có thể nghỉ sớm hơn. Cứ mỗi kilogram nghêu thu hoạch, chúng tôi được trả 2.000 đồng. Chỉ sau một buổi thu hoạch nghêu, chúng tôi đã có thu nhập 250.000 – 300.000 đồng/người. Khoản tiền này là khá cao so với đi làm những công việc khác mà không tốn nhiều thời gian cũng như công sức.
Theo các hộ dân nơi đây, để sản lượng nghêu thu hoạch cao, phải chọn thời vụ thả giống cũng như thời điểm thu hoạch hợp lý, tránh ảnh hưởng của mùa mưa bão, có như vậy mới đảm bảo ăn chắc về năng suất và sản lượng. Theo đó, thời vụ thả giống thích hợp nhất là từ tháng 9 đến tháng 11 (Âm lịch) năm trước, sang tháng 5 (Âm lịch) năm sau bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch kéo dài trong khoảng 2 tháng, nghêu trung bình đạt 70 – 75 con/kg là có thể xuất bán.
Từ một ngư dân làm nghề khai thác thủy sản xa bờ, nhưng do tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo, ông Lê Văn Ngọc, thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên) quyết định chuyển đổi sang nghề nuôi nghêu trên bãi bồi ven sông.
Ông Ngọc chia sẻ: Ở độ tuổi trên 60, nghĩ không bám trụ biển khơi mãi được nên tôi đã mạnh dạn thuê 2 ha bãi triều để nuôi nghêu thương phẩm. Làm nghề này khá nhàn, không tốn nhiều công sức, không phải mất chi phí nhiều, thu nhập cũng khá ổn định. Đối với bãi nghêu 2ha của gia đình, nếu giá nghêu thương phẩm cao như những năm trước, ít nhất cũng có thu nhập 100 triệu đồng.
Nghề nuôi nghêu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các chủ vựa nuôi mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương
Nghề nuôi nghêu thương phẩm đang được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên). Hiện nay, xã Cẩm Lộc đang từng bước triển khai thực hiện các giải pháp về quy hoạch vùng nuôi tập trung. Đồng thời, tiến hành thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi nghêu để tăng năng suất, sản lượng.
Theo người dân nuôi nghêu tại xã Cẩm Lộc, năm nay, nghêu thu hoạch với năng suất cao hơn năm trước, nhưng giá bán lại thấp hơn, từ 14.000 đồng/kg xuống còn 10.000 đồng/kg. Chính điều này đã làm người dân kém vui. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư nuôi nghêu không tốn kém nhiều nên các hộ dân vẫn có lãi ít nhất cũng 40 – 50 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Tuân – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên cho biết: Phải khẳng định rằng nuôi nghêu trên bãi triều ven sông là nghề khá ổn định, tạo sinh kế cho người dân trong nhiều năm qua. Trong tổng số 45 ha diện tích tự nhiên bãi bồi ven sông Quèn, xã đã quy hoạch được 20 ha để nuôi nghêu thương phẩm, số diện tích còn lại đang được khai thác tự nhiên. Thời gian qua, xã đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi nghêu xã Cẩm Lộc, có 10 thành viên tham gia với mục đích quản lý và phát triển vùng nuôi nghêu. Điều mà chính quyền địa phương cũng như các hộ dân mong muốn là có được thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định, để bà con yên tâm sản xuất. Cũng từ đó, địa phương mới có thể mở rộng vùng nuôi, tăng thu nhập cho các xã viên.
Để làm được điều này, cần sự vào cuộc của các cấp ngành và chính quyền địa phương cần hướng dẫn quy trình nuôi nghêu thâm canh theo hướng sản phẩm sạch, tăng cường thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã tạo mối liên kết trong sản xuất, xây dựng thương hiệu nghêu sạch, đồng thời kết nối doanh nghiệp hợp đồng thu mua sản phẩm cho các hộ dân. Có vậy, mới thực sự giúp được người nghèo ven biển ổn định, nâng cao đời sống, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguyễn Hoàn