Để giữ gìn tài nguyên biển và phát triển nghề cá bền vững, Bà Rịa – Vũng Tàu đang đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển.
Ông Vũ Đức Cẩn làm nghề nuôi trồng thủy sản trên biển đã hơn 10 năm. Từ vài lồng bè ban đầu đến nay ông đã phát triển lên 40 lồng trên tổng diện tích khoảng 2.000m2 mặt nước biển ở làng bè khu vực cầu Chà Và, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu.
Các loài cá biển chủ lực ông Cẩn đang nuôi là cá mú, cá bớp và cá chim, năng suất từ 5-15 tấn/năm tùy loại. Tổng sản lượng cả khu lồng bè khoảng 30 tấn/năm, sau khi trừ chi phí (thức ăn, nhiên liệu, nhân công,…) ông Cẩn còn lãi khoảng 300-400 triệu đồng/năm. So với nghề đi biển bấp bênh, sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, lại gặp nhiều rủi ro do thiên tai, thời tiết thì nghề nuôi biển ổn định, hiệu quả hơn.
Thu hoạch cá chẽm ở hộ nuôi ông Nguyễn Hoàng Thắng tại làng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu).
Đón đầu nhu cầu thị trường nuôi biển tăng cao, từ năm 2010 ông Nguyễn Hoàng Thắng (phường 12, TP.Vũng Tàu) đã đầu tư các trại bán cá biển giống. Qua gần 15 năm, công ty Seafish của ông Thắng đã có 3 trại cá biển giống và 1 khu nuôi cá biển bố mẹ, cá thịt (ở phường 12 và xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu), phát triển thành chuỗi khép kín từ cá bố mẹ, ấp trứng và ươm dưỡng cá con cung cấp ra thị trường. Khu nuôi ở khu vực sông Chà Và là để khách hàng đối chứng hiệu quả mô hình nuôi biển và tư vấn kỹ thuật nuôi cho khách.
Ông Thắng cho biết, thị trường cá biển giống phát triển khá tốt không chỉ ở Bà Rịa-Vũng Tàu mà cả khu vực phía Nam, những năm qua công ty luôn có mức tăng trưởng hơn 20%/năm. Từ năm 2016, công ty cũng bắt đầu xuất khẩu cá giống sang thị trường Đông Âu, đến các nước Qatar, Kuwait, Dubai,…
Hiện mỗi năm Công ty Seafish Vũng Tàu cung ứng ra thị trường khoảng 3 triệu con giống cá chẽm, 300 ngàn con giống cá mú và 300 ngàn con giống cá chim vây vàng. Ông Thắng cũng là một trong những người đi đầu trong việc đưa giống cá hồng mỹ về nuôi thương phẩm ở khu vực phía Nam. Hiện hằng năm công ty Seafish xuất ra thị trường khoảng từ 3-4 triệu con giống hồng mỹ, (tương đương 3-4 ngàn tấn cá thịt).
Nhận thấy nghề nuôi biển còn nhiều tiềm năng phát triển nên ông Thắng, ông Cẩn và một số hộ nuôi ở làng bè sông Chà Và có dự định sắp tới sẽ đầu tư, áp dụng công nghệ cao, nuôi bằng lồng nhựa HDPE, nuôi thử nghiệm khoảng 20-30 lồng/hộ. Bởi theo ông Cẩn, ông Thắng lồng HDPE có độ bền cao hơn 20 năm (lồng gỗ chỉ khoảng 5 năm) và vững chắc hơn, chịu được sóng to gió lớn, ít hư hao, độ chống ăn mòn tốt, phù hợp với môi trường nước biển, do ống tròn nên ít bị côn trùng bám vào, vệ sinh tốt hơn và thân thiện với môi trường.
“Đây là mô hình nuôi xanh-sạch nên chúng tôi muốn phát triển thành mô hình nuôi biển kết hợp với du lịch sinh thái để tăng doanh thu”, ông Cẩn cho biết.
heo Sở NN-PTNT, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch hiện có hơn 163ha với tổng số bè nuôi là 412 bè/14.062 lồng. Khu vực nuôi tập trung chủ yếu ở 3 vùng: Khu vực sông Rạng – Sông Chà Và – sông Mũi Giui, khu vực sông Dinh và khu vực sông Cỏ May – Cửa Lấp – Rạch Cây Khế. Đối tượng nuôi chính là cá mú, cá chẽm, cá chim, cá bóp, cá hồng mỹ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ (hàu thái bình dương, hàu bản địa) với sản lượng bình quân đạt khoảng 7.900 tấn/năm. Ngoài ra, có một số cơ sở nuôi tôm hùm tre, đặc biệt tại huyện Côn Đảo có một công ty nuôi trai lấy ngọc với diện tích 100ha.
Để phát triển nghề nuôi biển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, phấn đấu đến năm 2030 có tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm. Đồng thời khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, có tính giải trí, mỹ nghệ, trang sức theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu. Dự kiến địa điểm phát triển nuôi biển tại huyện Côn Đảo và các vùng biển thuộc các huyện, thành phố ven biển (TP.Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ…).
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tỉnh sẽ tổ chức lại các cơ sở, hộ nuôi biển nhỏ lẻ, phân tán hiện nay theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, HTX liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, kết hợp giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hoạt động sản xuất trên biển, nhằm giảm sản lượng khai thác, cân bằng giữa nhu cầu xã hội và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Ngọc Minh
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu