Con tôm là 1 trong 2 loại vật nuôi được tỉnh chọn để ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất trong giai đoạn 2021-2025. Đến nay, toàn tỉnh Long An thực hiện được hơn 69ha tôm ƯDCNC, đạt hơn 69% so với kế hoạch đến năm 2025.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, tỉnh thực hiện 7 mô hình điểm nuôi tôm ƯDCNC với tổng diện tích 3,5ha tại 3 huyện: Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ. Đến nay, tỉnh thực hiện 6 mô hình điểm với tổng diện tích 6,75ha. Mỗi mô hình điểm được hỗ trợ một lần 50% tổng kinh phí thực hiện nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình, bao gồm con giống, thức ăn và hệ thống cảnh báo giám sát môi trường.
Bên cạnh đó, các huyện: Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ cũng triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn nuôi tôm ƯDCNC; ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát môi trường ao nuôi và quản lý sức khỏe tôm nuôi;… với tổng diện tích 100ha. Đến nay, đã thực hiện được 61,61ha.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ – Đặng Văn Tây Lo thông tin, hiện toàn huyện có hơn 17ha tôm ƯDCNC. Qua thống kê cho thấy, việc nuôi tôm ƯDCNC đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Ông Nguyễn Thanh Sử (ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 với quy mô 6.000m2 (4 ao). “Với số lượng tôm giống thả ban đầu là 340.000 con, sau 90 ngày (ương 30 ngày, nuôi 60 ngày), tôm đạt kích cỡ 38 con/kg, sống 90%. Tôi thu hoạch được 8 tấn tôm, bán với giá 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi có lợi nhuận gần 500 triệu đồng” – ông Sử chia sẻ.
Tại huyện Châu Thành, những năm gần đây, người dân mạnh dạn ƯDCNC vào nuôi tôm và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, huyện Châu Thành thực hiện 30ha tôm ƯDCNC. Đến nay, huyện có 29,58ha tôm ƯDCNC.
Ông Võ Văn Xuyên (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) ƯDCNC vào nuôi tôm với diện tích 1,18ha; trong đó, diện tích ao nuôi là 0,7ha, còn lại là diện tích ao ương và ao lắng. Theo ông Xuyên, sau 90 ngày kể từ khi thả tôm giống, tôm ƯDCNC có trọng lượng khoảng 35-40 con/kg; sản lượng đạt 12 tấn/ha, cao hơn so với nuôi tôm truyền thống khoảng 3 lần.
Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh là 4.430ha (tôm sú 360ha; tôm thẻ chân trắng 4.070ha), bằng 72,6% so với kế hoạch, bằng 98% so cùng kỳ; đã thu hoạch 3.505ha, năng suất bình quân 3,4 tấn/ha, sản lượng 12.010 tấn, đạt 75% kế hoạch và bằng 105,6% so cùng kỳ. Năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai nhân rộng các mô hình ƯDCNC trên con tôm ở 3 huyện: Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ, với tổng diện tích 23,3ha.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận từ 0,8-1,7 tỉ đồng/ha/năm
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh thông tin: Qua triển khai các mô hình nuôi tôm ƯDCNC cho thấy, nông dân đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc, thả nuôi 2-3 giai đoạn, ao lót lưới đáy, trang bị đầy đủ thiết bị, máy móc, thả nuôi mật độ cao nên sản lượng và lợi nhuận tăng lên. Cụ thể, lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình dao động từ 0,8-1,7 tỉ đồng/ha/năm.
Các mô hình nuôi tôm ƯDCNC đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của nông dân, nhất là nuôi tôm nhiều giai đoạn, kiểm soát chặt chẽ môi trường, giảm thuốc, hóa chất, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học cải thiện môi trường, góp phần bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
“Qua thống kê, các mô hình nuôi tôm ƯDCNC tại huyện Châu Thành và Tân Trụ tương đối phù hợp với điều kiện của người dân địa phương, dễ áp dụng, hiệu quả cao nên có thể nhân rộng trong tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên một số mô hình chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các ban, ngành, địa phương tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân; hướng dẫn các quy trình nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng; đồng thời, xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chất lượng nguồn giống thủy sản; tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản,… nhằm bảo đảm cho nông dân sản xuất thuận lợi và hiệu quả” – bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin thêm.
Bùi Tùng
Nguồn: Báo Long An