(TSVN) – Nhằm hỗ trợ người dân trong việc phòng ngừa bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND), nhóm nghiên cứu tại Đại học Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, do ThS Lê Thị Phụng là chủ nhiệm đề tài, đã tiến hành thử nghiệm sản xuất chế phẩm sinh học mới để cải thiện môi trường nước, giúp tôm phát triển khỏe mạnh và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bệnh AHPND do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra, được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc năm 2009. Sau đó, bệnh lây lan nhanh chóng ra các nước lân cận và hiện đã có mặt tại hầu hết các vùng sản xuất tôm chính trên thế giới, bệnh gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành tôm toàn cầu. Tại Việt Nam, AHPND đã gây thiệt hại 2,56 tỷ USD kể từ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2011, với đỉnh điểm gây thiệt hại nặng vào năm 2016. Năm 2016, bệnh xảy ra ở 305 xã của 82 huyện thuộc 25 tỉnh thành, với tổng diện tích bệnh lên đến 6339,15 ha. Đến năm 2017, khi người nông dân đã dần nắm được phương thức quản lý môi trường ao nuôi, chọn con giống không nhiễm bệnh, dịch bệnh mới dần lắng xuống. Tuy nhiên, hiện nay, việc điều trị AHPND trong ao nuôi vẫn chưa có phương pháp đặc trị hiệu quả. Vì vậy, AHPND vẫn xuất hiện lặng thầm và rải rác trên khắp các trang trại tôm, gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả vụ nuôi.
Chế phẩm sinh học mới giúp giảm chất gây độc và mầm bệnh trong ao nuôi, duy trì môi trường nuôi ổn định (Ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Theo nhóm nghiên cứu, địa điểm thực hiện nghiên cứu là tại Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Khu vực nuôi tôm có tổng diện tích 6.000 ha, trong đó có khoảng 250 ha có tôm bị mắc các bệnh như đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV) và hoại tử gan tụy cấp. Bệnh AHPND chiếm diện tích khoảng 14% trong số ao tôm bị bệnh và tác động nghiêm trọng đến tôm từ 20 đến 58 ngày tuổi, gây chết nhanh trong vòng 2 ngày.
Trong nghiên cứu này, Zeolite, kết hợp với vi sinh, được sử dụng để tạo ra chế phẩm sinh học có thể giúp hấp thụ các khí độc, kim loại nặng trong ao, làm sạch nước, ổn định pH và màu nước, đồng thời cung cấp ôxy hòa tan cho tôm nuôi. Tuy nhiên, việc lựa chọn chế phẩm sinh học phải đảm bảo an toàn sinh học, phù hợp với điều kiện môi trường nuôi tôm như nước mặn hay nước ngọt, được sản xuất và áp dụng theo các phương pháp khoa học.
Trong số rất nhiều loài vi sinh sử dụng trong nuôi trồng thủy sản thì B Bacillus subtilis là loài có nhiều tiềm năng nhất. B. subtilis là một loại vi khuẩn đặc biệt, có khả năng tạo ra nhiều tác dụng có lợi trên vật chủ như: cải thiện tăng trưởng, tỷ lệ sống, chất lượng nước, thành phần dinh dưỡng trong thức ăn lên men, hỗ trợ cung cấp vaccine…
Bacillus subtilis thuộc chi Bacillus, vi khuẩn hiếu khí, ưa ôxy nhưng lại có khả năng phát triển trong điều kiện thiếu ôxy, có cấu tạo hình dạng que, kích thước nhỏ, cấu tạo 2 đầu tròn. Nó có khả năng tồn tại được ở nhiều môi trường khắc nghiệt, bất lợi: nghèo dinh dưỡng, nhiệt độ rất cao hoặc rất thấp, pH không ổn định, môi trường có tia tử ngoại, tia phóng xạ nhờ vào khả năng sinh bào tử.
Sau khi nghiên cứu về thử nghiệm sử dụng Bacillus subtilis trong nuôi tôm, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các kết luận rằng, Bacillus subtilis có hoạt tính in vitro hiệu quả trong cải thiện môi trường nước và ức chế vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm phát triển thành công quy trình nuôi cấy Bacillus subtilis với quy mô 5 – 10 lít, tối ưu hóa môi trường lên men với hoạt tính kháng khuẩn cao nhất đạt 400 AU/mL.
Do đó, sản phẩm mới có tên Zeoshrimp, với thành phần Zeolite và Bacillus subtilis giúp giảm chất gây độc và mầm bệnh trong ao nuôi, duy trì môi trường nuôi ổn định. Sự ổn định này không chỉ bảo vệ sức khỏe của tôm, mà còn kích thích chúng sử dụng thức ăn hiệu quả hơn, tăng tốc độ sinh trưởng.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất thời gian tới sẽ cải tiến quy trình thu hồi chế phẩm để tăng mật độ vi khuẩn, thực nghiệm trên các ao nuôi bị nhiễm bệnh AHPND tại Cần Giờ và khu vực ĐBSCL để đánh giá hiệu quả, tối ưu hóa sản xuất trong tương lai.
Thanh Hiếu