Gần đây, vài nơi vùng ngọt hóa phía Bắc của tỉnh Cà Mau, nhiều nông hộ trồng lúa lâu năm đã lén đưa nước mặn vô ruộng nuôi tôm, khiến chính quyền sở tại lo lắng…
Vì sao dân “xé rào”?
Tại vùng ngọt hóa trồng lúa hai vụ của xã Tân Phú (huyện Thới Bình), từ vài hộ tự phát ban đầu, đến nay đã có hàng trăm hộ đưa nước mặn vô ruộng lúa nuôi tôm với diện tích gần 170ha. Trong đó, tập trung nhiều ở ấp kinh 5B, ấp Đầu Nai và một phần ấp Giao Khẩu. Ngay từ những hộ manh nha đầu tiên, chính quyền xã Tân Phú đã thành lập đoàn đến tận nơi, tuyên truyền, vận động, thậm chí lập biên bản phạt tiền… nhưng chỉ tạm lắng rồi tái diễn. Ông Dương Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: “Địa phương phát hiện kịp nhưng bà con nói chỉ lên liếp để thực hiện mô hình lúa – cá đồng và thuận tiện cho tháo úng, xổ phèn. Có hộ cố tình làm lén vào ban đêm, chính quyền can ngăn bà con nói hộ kế bên đã đưa nước mặn vô nuôi tôm làm mặn luôn ruộng của họ nên không tiếp tục trồng lúa được”.
Vài nơi ở Tân Phú (Thới Bình), người dân lên bờ bao nuôi tôm kết hợp làm vụ lúa hiệu quả nên nhiều hộ khác manh nha làm theo.
Làn sóng “chuộng mặn” cũng đã len lỏi vào xã Tân Lộc Bắc – vùng giáp ranh với Tân Phú, nhiều nhất là ở ấp 1, 2 và ấp 4. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban nhân dân ấp 2, hiện có gần 20 hộ trồng lúa 2 vụ tự phát đưa nước mặn vô nuôi tôm. Cao trào là vào khoảng giữa tháng 7/2013.
Dọc ấp 2 (Tân Lộc Bắc) có duy nhất con kênh thủy lợi, được gọi là kênh Ngang hay “Kênh hai nhiệm vụ”. Bởi nó vừa đảm nhận cung cấp nước mặn cho người nuôi tôm ở bờ Nam ấp 2 nhưng đồng thời cung ứng nước ngọt cho nông dân trồng lúa 2 vụ ở chiều ngược lại cùng ấp. Theo người dân sở tại, từ năm 2001, một phần diện tích đất của ấp 2 được quy hoạch nuôi tôm, phần còn lại (phía Bắc) quy hoạch trồng lúa trong khi chỉ có 1 con kênh dẫn nước. Ông Bùi Văn Hải ở ấp 2, cũng vừa thuê xáng cuốc vô ruộng lúa lên bờ bao ngạn chung quanh, tâm sự: “Làm đúng chủ trương thì nhà tôi phải trồng lúa, nhưng quanh đây và những hộ lân cận, ruộng quá trũng, nước mặn bao vây tứ bề. Khi có mưa lớn cục bộ là nước mặn tràn đồng. Lúa bị mặn, bị ngập, không thể sống được”.
Diện tích đất lúa ở ấp 1, 2, và 4 của xã Tân Lộc Bắc khoảng 167ha, nằm trong chương trình cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, một phần diện tích ở ấp 1 và ấp 4 đã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Theo bà Lâm Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc, giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở chỉ là tình thế. Về lâu dài, nếu ngành chức năng không có giải pháp kịp thời, chuyện quy hoạch cánh đồng mẫu lớn ở Tân Lộc Bắc bị phá vỡ là khó tránh khỏi. “Trước mắt, hộ dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm trên vùng ngọt đã quy hoạch là sai, sẽ tạo ra cánh đồng “da beo” ở vùng đất lúa 2 vụ. Khi đó sẽ xảy ra tranh chấp mặn-ngọt, mâu thuẫn giữa người trồng lúa và người nuôi tôm. Nghiêm trọng hơn, việc làm ấy sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế nông – ngư của địa phương” – bà Mai lo lắng. Ông Dương Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: “Chính quyền cũng đang gặp khó khi muốn định hướng cho dân nuôi tôm hay trồng lúa vì hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ”.
Cần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi
Hiện nay, một vài nơi ở xã Khánh Hội (huyện U Minh), nhiều hộ đã đưa nước mặn vô ruộng lúa nuôi tôm. Chính quyền phải cử lực lượng tuần tra ban đêm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hộ dân “xé rào”, phá vỡ quy hoạch. Lão nông Nguyễn Thanh Tùng (ấp 5, xã Khánh Hội) gần cả đời gắn bó với cây lúa giờ cũng muốn chuyển qua nuôi tôm kết hợp trồng một vụ lúa. Theo lý giải của ông Tùng, thủy lợi phục vụ sản xuất chưa được khép kín, chênh lệch giữa con tôm và cây lúa khá lớn. Một ký cá phi trong vuông giá có rẻ cỡ nào cũng được 10.000 đồng, bằng giá trị của 2kg lúa. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Cà Mau không chấp thuận. Tại hội nghị sơ kết tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi nhấn mạnh: Không để tiếp tục tình trạng nuôi tôm “xé rào”; giữ vững diện tích lúa hiện tại. Bên cạnh đó ngành nông nghiệp tăng cường giải pháp tăng năng suất lúa, nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa. Theo ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc, để giữ được diện tích lúa 2 vụ, ngoài đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi khép kín tách riêng vùng ngọt và vùng mặn, người trồng lúa mong có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ, đặc biệt là giá cả đầu ra ổn định, cân bằng lợi nhuận giữa trồng lúa và nuôi tôm. Ông Phước cho rằng: Hiện đã có hỗ trợ nhưng với mức 500.000 đồng cho 1ha đất lúa 2 vụ và 100.000 đồng cho đất 1 vụ lúa – 1 vụ tôm, vẫn chưa tạo được động lực cho người trồng lúa.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Phó Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết: Trong quy hoạch, huyện có phân ranh vùng mặn và vùng ngọt nhưng thủy lợi chưa hoàn chỉnh nên vài nơi giữa mặn và ngọt còn “lộn xộn”, ảnh hưởng đến trồng lúa. Trong tháng 8/2013, Sở NN&PTNT Cà Mau sẽ tổ chức thị sát thực trạng tại một số xã vùng ngọt hóa của Thới Bình để có đề xuất, kiến nghị, giải pháp khắc phục… “Về lâu dài cần được hỗ trợ gấp xây dựng các ô thủy lợi khép kín phục vụ người dân sản xuất lúa 2 vụ và thực hiện cánh đồng mẫu lớn”, ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình đề xuất.
>> Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: “Vốn thủy lợi hàng năm được Trung ương đầu tư khoảng 15 tỉ đồng, chỉ đáp ứng việc nạo vét, cả vùng mặn và ngọt. Riêng vùng ngọt, muốn trồng lúa 2 vụ đạt năng suất, cần phải xây dựng thêm nhiều cống ngăn mặn, làm đê bao toàn vùng. Trong khi đó, Cà Mau quy hoạch 31 tiểu vùng, một tiểu vùng muốn khép kín ít nhất cũng tốn từ 500 tỉ đồng trở lên, vượt khả năng tự có của địa phương”. |