Chuyển đổi đất muối vẫn là bài toán khó

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Suốt nhiều năm qua, hàng trăm hecta đất sản xuất muối của các huyện Lộc Hà, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã bị bỏ hoang. Đây là những khu đất được quy hoạch và cấp dài hạn cho hàng trăm hộ để sản xuất muối, thế nhưng do việc sản xuất muối không hiệu quả nên bà con diêm dân đã không còn mặn mà với nghề truyền thống của mình. Để phát triển nghề muối, việc quy hoạch vực dậy nghề hay chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn đang là một bài toán khó.

Tiếc nuối những cánh đồng muối bỏ hoang

Đã có một thời, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà được xem là vựa muối của cả tỉnh. Thế nhưng theo thời gian, giá muối xuống thấp, sản xuất thua lỗ, dẫn tới bà con diêm dân không còn mặn mà với nghề muối, các đồng muối bị bỏ hoang ngày một nhiều thêm. Đã từ rất lâu, gần 80 ha đất muối ở xã Hộ Độ đã không còn được đầu tư sản xuất. Hệ thống cơ sở hạ tầng bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng. Nhìn cánh đồng muối bị bỏ hoang lãng phí khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối, khi đã có một thời nghề muối ở xã Hộ Độ khá sôi động, thu hút hàng trăm hộ dân và hàng ngàn lao động tham gia sản xuất, kinh doanh. 

Bà Trương Thị Long một người dân xã Hộ Độ chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất  tiếc vì tấc đất tấc vàng mà giờ bỏ hoang nhiều quá. Mong muốn người dân được nhà nước hỗ trợ chương trình để dân có thể tiếp tục sản xuất, khai hoang phục hóa giúp người dân kiếm công ăn việc làm.”

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lộc Hà, có đến hàng chục hecta đất muối đang bị bỏ hoang, chưa có giải pháp sử dụng hiệu quả

Trước thực trạng hàng chục hecta đất muối bỏ hoang suốt một thời gian dài, năm 2020, UBND huyện Lộc Hà đã lập dự án chuyển đổi đất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Theo đó, trước mắt sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng 67 ha đất muối của 2 xã Hộ Độ và Mai Phụ, để kêu gọi các tổ chức cá nhân đủ năng lực đầu tư nuôi trồng thủy sản. Đây là một chủ trương đúng được hầu hết người dân làm muối thống nhất cao. Hàng chục hộ dân đã hợp tác với chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng cho việc xây dựng hạ tầng dự án phục vụ nuôi trồng thủy sản. Trên thực tế cho đến thời điểm hiện tại đã có hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng hệ thống điện, đường bê tông kiên cố vào vùng nuôi, kênh mương thoát nước thải và các hạng mục phụ trợ khác… Hạ tầng vùng nuôi về cơ bản đã hoàn thành, chính quyền và người dân xã Hộ Độ vẫn phải tiếp tục chờ đợi trông ngóng vì không tìm được nhà đầu tư để tiến hành chuyển đổi đất muối sang nuôi trồng thủy sản. 

Những cánh đồng muối đìu hiu xuống cấp

Ông Trương Bá Khanh – Chủ tịch UBND xã Hộ Độ trăn trở: “Khi nói chuyển đổi đất muối sang nuôi trồng thủy sản, người dân phấn khởi đồng tình cao. Nhưng, những năm gần đây kinh tế khó khăn, việc nuôi tôm trên địa bàn thiếu ổn định, nên các nhà doanh nghiệp cũng lo ngại không dám đầu tư. Địa phương đang ra sức kêu gọi con em xa quê và các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Nhưng thời gian 2 năm rồi vấn đề chuyển đổi chưa thể giải quyết được để người dân phát triển kinh tế. Đã vậy, bây giờ người dân muốn làm muối hay trồng cây gì cũng khó, tư tưởng cứ trông chờ dự án, nên toàn bộ diện tích đang hoang hóa dần.”

Cánh đồng muối giờ đây đã chuyển đổi  thành 30 ha diện tích ao hồ mặt nước để nuôi trồng thủy sản lại tiếp tục bỏ hoang lãng phí. Thời gian đã kéo dài hơn 2 năm, bà con diêm dân xã Hộ Độ hàng ngày vẫn cứ chờ đợi  nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để chuyển đổi nghề nghiệp thế nhưng vẫn chưa có kết quả. Chứng kiến sự lãng phí của quỹ đất và chi phí về hạ tầng đã đầu tư, người dân không khỏi băn khoăn lo lắng. Với kỳ vọng sau khi chuyển đổi đất muối sang nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng được hiệu quả kinh tế lâu dài, đồng thời người dân làm muối có công ăn việc làm và giải quyết vấn đề cảnh quan môi trường. Song cho đến thời điểm này, những diện tích đất muối sau khi chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản ở xã Hộ Độ đã không đáp ứng kỳ vọng. Nếu để thời  gian bỏ hoang kéo dài không chỉ ngày  càng lãng phí tài nguyên đất mà còn dẫn đến sự ảnh hưởng  an sinh xã hội, cảnh quan môi trường.

Khó để khôi phục lại nghề

Xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cũng là địa phương có cùng hoàn cảnh đó. Từng là vựa sản xuất muối lớn nhất của Hà Tĩnh, nhưng  đến thời điểm này, diện tích sản xuất muối còn rất ít, diện tích bỏ hoang ngày một nhiều lên.

Với mong muốn khôi phục lại nghề làm muối, năm 2023, huyện Thạch Hà đã triển khai mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt trong ô kết tinh  tại thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) nhằm đưa công nghệ mới giúp tăng năng suất, chất lượng hạt muối và người dân có thêm thu nhập. Mô hình được triển khai từ tháng 4/2023, do Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà trực tiếp hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ với quy mô 0,5 ha, có 5 hộ dân tham gia. Mô hình được hỗ trợ 100% chi phí lót bạt; san mặt bằng và hàng rào bê tông.

Tháng 4/2023, mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt trong ô kết tinh được triển khai đầu tiên ở Hà Tĩnh tại thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà)

Với mô hình này, thay vì sản xuất trên các ô nại bằng nền vôi như truyền thống, các ô kết tinh được trải bạt chống thấm HDPE. Loại bạt này được sản xuất trực tiếp từ các nguyên liệu cao phân tử PE có độ dày 0,5 – 1,5 mm, độ bền cao, đàn hồi tốt, chịu được thời tiết khắc nghiệt. Không những thế, loại bạt này còn có khả năng hấp thụ nhiệt lượng mặt trời tốt, không gây độc hại. Sau khi trải bạt trong ô kết tinh, người dân có thể sản xuất muối theo các bước như phương thức truyền thống.

Qua hơn 1 năm đi vào sản xuất bằng phương pháp mới, các hộ dân trực tiếp tham gia đều đánh giá cách làm này có nhiều ưu điểm vượt trội khi  cho sản lượng cao hơn, chu kỳ sản xuất rút ngắn hơn so với phương pháp truyền thống. Bạt hấp thụ ánh nắng tốt, giúp thời gian kết tinh hạt muối giảm từ 10 – 12 giờ xuống còn 7 – 8 giờ. Ngoài ra, sản lượng muối cũng tăng lên khoảng 25% so với ô truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích.

Ngoài ra, sản xuất muối theo phương pháp mới này còn giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị ô nại. Nếu làm muối trên nền vôi, nền đất thì cứ trước khi vào vụ mùa, người dân phải dành thời gian cải tạo rất nhiều và năm nào cũng phải cải tạo. Còn với bạt trải, chỉ đầu tư một lần và sử dụng được trong 5 năm, rất thuận lợi.

Thực tế cho thấy sản xuất muối bằng phương pháp lót bạt mang đến hiệu quả cả về năng suất và sản lượng là vậy nhưng sau hơn 1 năm thử nghiệm, mô hình vẫn không thể nhân rộng. Mặc dù, khi đi học tập và triển khai mô hình, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kỳ vọng có thể đưa về phương pháp sản xuất muối hiệu quả cho bà con.

Sản xuất muối bằng phương pháp lót bạt mang đến hiệu quả cả về năng suất và sản lượng nhưng không thể nhân rộng

Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Nghề làm muối là nghề truyền thống từ lâu đời của xã. Từ năm 2005 trở về trước, cánh đồng sản xuất muối tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà có diện tích 120 ha, nhưng càng dần về sau diện tích giảm, còn 30 – 40 ha. Nhất là vài năm gần đây, số gia đình tham gia làm nghề đã giảm hẳn, đến thời điểm này, diện tích sản xuất muối toàn xã chỉ còn 2,4 ha. 

Xã rất mong muốn khôi phục nghề muối truyền thống, vì vậy, khi biết đến phương pháp mới hiệu quả, xã đã tích cực hỗ trợ người dân cùng đi tham quan, học hỏi. Thế nhưng hiện nay, nghề muối mang lại thu nhập thấp. Ngoài ra, nghề phụ thuộc lớn vào thời tiết, thị trường tiêu thụ không ổn định, chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo chuỗi liên kết. Trong khi đó, chuyển đổi kinh tế thị trường, các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, nghề muối chỉ còn lại lao động già. Vì vậy, người dân không còn mặn mà với nghề”.

Cũng theo ông Sơn, sản xuất muối bằng ô lót bạt mặc dù cho năng suất, hiệu quả cao hơn chi phí đầu tư đầu vào khá lớn (chi phí mua bạt khoảng 8 – 9 triệu đồng/100 m) khiến người dân dè dặt khi đầu tư. Năm 2024, để kích cầu sản xuất, chính sách huyện hỗ trợ người dân 50% kinh phí mua bạt lót nhưng người dân cũng không thể hấp thụ được chính sách. Giá muối năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Cụ thể, năm 2023, thời điểm giá cao nhất đạt 3.000 đồng/kg, nhưng năm nay, giá mới chỉ đạt 1.800 đồng/kg. Vì vậy, việc mở rộng diện tích sản xuất muối nói chung và sản xuất muối bằng phương pháp mới không thực hiện được.

Ông Trần Văn Phượng (thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà) – là một trong những hộ dân được hỗ trợ triển khai mô hình sản xuất muôi bằng phương pháp lót bạt ô kết tinh từ năm 2023 chia sẻ: “Giá muối năm nay thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái, trong khi đó nếu đầu tư sản xuất muối lót bạt chi phí khá cao. Vì vậy, dù biết sản xuất muối lót bạt hiệu quả, năng suất nhưng gia đình tôi không thể mở rộng diện tích; đành tiếp tục sản xuất ở 2 sào đã được cơ quan chức năng hỗ trợ đầu tư từ năm ngoái. Về lâu dài, nếu giá muối vẫn thấp tôi cũng không chắc mình có thể tiếp tục với nghề muối này nữa hay không”.

Những cánh đồng muối trắng ngày xưa giờ cỏ dại mọc um tùm, hoang hóa,… Người dân cũng như chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay với bài toán chuyển đổi nghề, chuyển đổi diện tích sử dụng đất. Để có “lời giải” thích đáng, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ, định hướng để phát triển sản xuất nhằm sử dụng hiệu quả hết diện tích đất sản xuất  muối không hiệu quả. Điều này không chỉ tránh tình trạng bỏ hoang gây lãng phí quỹ đất, cải tạo môi trường, mà còn chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.

Nguyễn Hoàn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!