Bến Tre: Nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Chưa có đánh giá về bài viết

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc ghi nhận kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh đối với đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre”.

Xử lý tốt nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh giúp bảo vệ môi trường nước.

Cơ quan chủ trì là Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ Công nghệ và Môi trường. Chủ nhiệm đề tài là Thạc sĩ Nguyễn Phú Bảo cùng 12 thành viên tham gia thực hiện.

Theo đó, UBND tỉnh đánh giá kết quả nghiên cứu như sau: Đề tài đã xây dựng và biên soạn sổ tay hướng dẫn vận hành quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước, tái sử dụng lại trên 70% lượng nước ao nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và chất lượng nước cấp vào ao nuôi đạt QCVN 02-19:2014/BNNPTNT.

Xây dựng được mô hình thực nghiệm xử lý và tuần hoàn tái sử dụng nước ao nuôi tôm siêu thâm canh công suất 500m3/ngày. Thời gian vận hành tuần hoàn tái sử dụng nước ao nuôi tôm của mô hình (khoảng 2 giờ) là thấp hơn so với thời gian bơm nước thực tế của hộ nuôi tôm (2 – 4 giờ), góp phần giảm thiểu chi phí quản lý ao nuôi tôm.

Ngoài ra, đề tài đã tập huấn quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh cho các cơ sở nuôi tôm, nhân viên khuyến nông, khuyến ngư tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú.

UBND tỉnh đề nghị Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm đăng ký kết quả nghiên cứu đề tài theo “Nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre” đúng quy định. Đồng thời, phối hợp chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để ứng dụng vào thực tiễn theo các quy định của pháp luật hiện hành.

* UBND tỉnh cũng vừa ban hành quyết định ghi nhận kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra thực trạng, đánh giá chế độ dòng chảy, xu thế diễn biến các bãi bồi, cồn nổi ven sông và đề xuất giải pháp khai thác tổng hợp”. Đề tài do Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Văn Huân – Viện Kỹ thuật Biển làm chủ nhiệm, cùng sự góp sức của 13 thành viên tham gia thực hiện.

Về kết quả nghiên cứu, đề tài đã cung cấp bộ cơ sở dữ liệu điều tra, khảo sát tài liệu cơ bản, dữ liệu về quá trình diễn biến, chất lượng môi trường và đa dạng sinh học của 15 bãi bồi cồn nổi.

Kết quả điều tra đa dạng sinh học cho thấy các khu vực bãi bồi cồn nổi tỉnh Bến Tre khá phong phú và đa dạng, đã ghi nhận được 495 loài sinh vật, gồm: 78 loài thực vật bậc cao, 142 loài cá, 166 loài thực vật phiêu sinh, 64 loài động vật nổi và 45 loài động vật đáy. Số lượng loài sinh vật phân bố không đồng đều giữa các khu bãi bồi cồn nổi.

Dựa vào công nghệ viễn thám và GIS để phân tích quá trình diễn biến của các bãi bồi cồn nổi dự báo xu thế dịch chuyển của các cồn đến năm 2030. Kết quả cho thấy, quá trình diễn biến các cồn thường có xu hướng dịch chuyển và kéo dài về phía hạ lưu.

Kết quả nghiên cứu đã đề xuất 5 giải pháp góp phần khai thác hiệu quả các bãi bồi cồn nổi tại địa bàn tỉnh gồm: (1) giải pháp cơ chế chính sách, (2) giải pháp nuôi trồng thủy hải sản, (3) giải pháp phục hồi hệ sinh thái, (4) giải pháp phát triên du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dường (5) các giải pháp phòng, chống sạt lở, gây bồi tạo bãi, khôi phục thảm rừng ven cồn nổi.

Đồng thời, lập danh mục các dự án tương ứng với các giải pháp phi công trình và công trình cho từng vùng nghiên cứu, để địa phương và các sở, ban ngành tỉnh tham khảo, hoạch định chương trình và kế hoạch đầu tư trong tương lai.

Tin, ảnh: Thạch Thảo

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!