Tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt trên 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 11%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 7 tháng đầu năm.

Tính đến cuối tháng 7/2024, lũy kế xuất khẩu tôm đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt 1,45 tỷ USD, tăng 4%; tôm sú đạt 246 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng gấp gần 3 lần, đạt 145 triệu USD.

Về cá tra, trong tháng 7, xuất khẩu cá tra có tín hiệu sáng với mức tăng 23%. Trong đó, xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều tăng trưởng 2 con số, trừ thị trường EU khi chỉ tăng nhẹ 5%. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. 

Về cá ngừ, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 7 đã tăng chậm lại, chỉ tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 555 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 2 dòng sản phẩm xuất khẩu chính là cá ngừ đóng hộp, đóng túi và cá ngừ loin/fillet đông lạnh.

Theo phân tích của các doanh nghiệp, xuất khẩu thủy sản đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi mức tiêu thụ tại phần lớn thị trường có sự tăng trưởng nhất định, đặc biệt lại những thị trường nhỏ. Tuy nhiên, để có thể tận dụng mọi cơ hội, ngành thủy sản cần phải khắc phục mọi trở ngại, nhất là giải quyết những vướng mắc về quy định tại các thị trường, đặc biệt là thị trường trọng điểm.

Theo thông tin tại Hội nghị tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong các Hiệp định EVFTA, RCEP tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, trong nửa đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực thị trường đứng đầu với số lượng cảnh báo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật với nông sản tăng bất thường gần 20%.

Riêng Việt Nam nhận 57 cảnh báo liên quan tới quy định SPS từ EU trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản bị EU cảnh báo của Việt Nam thời gian qua bao gồm: Rau, quả, gia vị và sản phẩm có nguồn gốc thực vật; Sản phẩm thủy sản (cá, mực, tôm, ếch, ngao…); Sản phẩm chế biến khác…

Ngoài ra, cước vận tải biển cũng vẫn làm các nhà xuất khẩu của Việt Nam đau đầu. Trong tháng 8, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết giá cước vận tải biển toàn cầu đang có xu hướng giảm. Đặc biệt, các tuyến vận tải từ châu Á đến bờ Tây nước Mỹ và châu Âu ghi nhận mức giảm mạnh nhất, dao động từ 20 – 30% so với tháng trước. 

Nếu so sánh với thời kỳ đỉnh điểm vào tháng 9/2021, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, giá cước vận tải biển đã giảm tới 44%. Đáng chú ý, mỗi tuần giá cước giảm trung bình từ 3 – 4%, phản ánh xu hướng giảm giá ổn định và dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dù giá cước đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao so với trước đại dịch. Cụ thể, giá cước vận chuyển hàng từ châu Âu đang vào khoảng 6.000 – 8.000 USD/container 40 feet, từ châu Á đến bờ Tây nước Mỹ dao động từ 5.000 – 6.000 USD/container. Riêng tuyến bờ Đông nước Mỹ vẫn ở mức cao, dao động từ 9.000 – 10.000 USD/container. Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng, dao động từ 1.000 – 2.000 USD/container. 

Giá cước vận tải tăng cao đột biến đã bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, chi phí xăng dầu, điện, logistics ngày càng cao trong khi lợi nhuận sụt giảm mạnh khiến doanh nghiệp gặp khó về nguồn vốn. “Dù có chính sách hỗ trợ về tài chính từ nhà nước và các tổ chức ngân hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận do còn vướng các khoản dư nợ trước đây, khó cơ cấu tài sản, dòng tiền để có thể sử dụng các gói vay mới”, vị này cho biết thêm.

Xuất khẩu khó khăn đã và đang khiến cho áp lực gia tăng tại nhiều khâu trong chuỗi sản xuất, nhất là giá bán nguyên liệu đầu vào. Mà trong ngành thủy sản, việc giá tôm nguyên liệu trong thời gian qua giảm mạnh có lẽ là một minh chứng. Nguyên nhân được chỉ ra là sản lượng thu hoạch lớn trong khi nhu cầu thị trường chậm, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do giá cước vận tải tăng và thiếu container… dẫn đến nguồn cung dư thừa và kéo theo là giá bán giảm.

Trước tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cục bộ tại một số cảng khu vực châu Á, thiếu container rỗng đã có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các hiệp hội và doanh nghiệp. Trong đó, Bộ đưa ra 6 giải pháp để tháo gỡ vướng mắc. 

Thứ nhất, phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhằm giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay; 

Thứ hai, phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế; 

Thứ ba, tăng cường tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do; 

Thứ tư, giải quyết hàng hóa xuất nhập khẩu tồn đọng; 

Thứ năm, hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; 

Thứ sáu, xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh.

Đối với các doanh nghiệp, trước những khó khăn tứ phía như hiện nay, để duy trì hoạt động và đảm bảo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh và tìm kiếm các giải pháp mới. 

Một số đơn vị sử dụng các phương thức khác nhau để tiết giảm phí vận chuyển, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất và giảm thiểu chi phí. Mở rộng thị trường để tìm kiếm thêm khách hàng; chọn lọc lại các đơn hàng xuất khẩu mang tính hiệu quả hơn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp khẩn trương cơ cấu tài sản, dòng tiền để tiếp cận các gói vay lãi suất thấp…

error: Content is protected !!