3 năm qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức tập huấn và hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả việc nuôi tổng hợp các loài thủy sản (tôm, cua, cá) dưới tán cây ngập mặn.
Theo ThS. Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, hệ sinh thái rừng ngập mặn thuộc khu vực đầm Đề Gi và đầm Thị Nại tạo ra những ưu thế nhất định, giúp người dân các xã khu Đông của huyện Tuy Phước và 2 xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát) triển khai thuận lợi mô hình nuôi tổng hợp các loài thủy sản. Tính đến nay, Trung tâm đã thực hiện được 6 mô hình điểm ở các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thắng (huyện Tuy Phước) và xã Cát Minh (huyện Phù Cát).
Xã Phước Sơn hiện có khoảng 160 hộ nuôi thủy sản theo mô hình tổng hợp, trong đó ông Hồ Trọng Lập, SN 1964, ở thôn Vinh Quang 2 là một trong những người nuôi đạt hiệu quả tốt. Ông Lập đang nuôi tôm, cua, cá trên diện tích mặt nước 2 ha đấu thầu từ xã. Đầu năm nay, ông thả tôm sú, cá chua và cua xanh giống vào hai hồ (mỗi hồ 1 ha), vài tháng sau, ông bắt đầu thu hoạch dần cho đến bây giờ. Ông Lập cho biết, bản thân đã tiếp cận và được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ việc triển khai mô hình nuôi tổng hợp các loài thủy sản một cách bài bản. “Nhờ có nhiều kinh nghiệm thực tế cộng với kiến thức cán bộ Trung tâm cung cấp, hỗ trợ, tôi kết hợp linh hoạt với thực tiễn nên hầu như nuôi năm nào cũng có lãi”, ông Lập cho hay. Tôm sú thu hoạch từ mô hình nuôi tổng hợp được thương lái đến tận hồ thu mua trên 300 nghìn đồng/kg (loại 20 con/kg), 250 nghìn đồng/kg (loại 30 con/kg), riêng cua gạch có lúc lên đến 400 – 500 nghìn đồng/kg.
Tại thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, từ cuối tháng 8 đến nay, vợ chồng ông Dương Văn Thừa, SN 1960, cứ cách 1 – 2 ngày lại đặt lờ thu hoạch tỉa tôm, cua trên diện tích hồ 1,2 ha sát cạnh nhà. Tầm 7 giờ tối, ông bơi sõng ra hồ đặt lờ, ăn cơm tối xong, ông chờ tới 9 giờ đi thu lần 1, rồi vào 3 – 4 giờ sáng hôm sau ông lại đi thu lần hai. Dịp 2.9 vừa qua, thương lái đến tận hồ mua với giá 380 nghìn đồng/kg tôm (loại 13 – 14 con/ký). Đến nay ông Thừa thu lãi gần 70 – 80 triệu đồng, bằng tiền lãi của cả năm ngoái.
Ông Thừa thường chèo sõng dạo quanh hồ, quan sát, tôm, cua, cá sinh sống dưới tán cây nước mặn. Ảnh: N.T
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, giá tôm thẻ biến động trong những năm gần đây khiến không ít người nuôi chuyển dần sang mô hình nuôi tổng hợp. Thời gian qua, Trung tâm tích cực hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho những địa phương có nhu cầu, đồng thời tuyên truyền, vận động người nuôi bỏ dần những cách nghĩ, cách làm không còn phù hợp với thực tiễn, gây ảnh hưởng đến cảnh quan rừng ngập mặn và làm nguồn nước ô nhiễm, dễ phát sinh dịch bệnh. Trong những buổi tập huấn, cán bộ Trung tâm luôn nhấn mạnh đến lịch thời vụ để bà con lưu tâm, triển khai phù hợp.
“Với mong muốn giúp bà con có thêm thu nhập và góp phần bảo vệ rừng ngập mặn, đầu năm 2024, Trung tâm đã triển khai mô hình nuôi tổng hợp các loài thủy sản dưới tán cây ngập mặn kết hợp phát triển du lịch sinh thái triển khai tại xã Phước Sơn. Tháng 7.2024, đoàn công tác của Trung tâm đã vào Kiên Giang học hỏi mô hình nuôi cá mú trân châu dưới tán rừng phòng hộ. Mô hình này đạt được nhiều lợi ích, khi không chỉ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản cho người dân mà còn giúp cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực rừng phòng hộ. Thời gian tới, Trung tâm sẽ nghiên cứu mô hình phù hợp với thực tế của Bình Định để định hướng, hướng dẫn bà con thực hiện…”, ông Hùng cho biết.
Ngọc Tú
Nguồn: Báo Bình Định