(TSVN) – Những năm qua, người nuôi cá tra ở An Giang đã đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp nhằm tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.
ThS. Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết: “Diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL là 7.500 ha, trong đó, tỉnh An Giang có khoảng 1.224 ha. Mỗi năm, sản lượng nuôi cá tra của địa phương đạt 575.000 tấn. Nhờ đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, nên hầu hết sản lượng cá nuôi của người dân đều được tiêu thụ hết”.
“Tham gia vào chuỗi liên kết trong sản xuất giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm rủi ro, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, sản xuất ngày càng phát triển. Cùng đó, doanh nghiệp có được vùng nguyên liệu, phục vụ chế biến xuất khẩu ổn định”, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt khẳng định.
Thông qua đẩy mạnh liên kết, nông dân có thể tối ưu hóa các nguồn lực về con giống, vật tư đầu vào, nguồn tín dụng,… góp phần gia tăng thu nhập. Ông Trần Văn Lắm, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, chia sẻ: “Ngay khi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, người dân đã biết được lợi nhuận/1 kg cá. Chính điều này thúc đẩy chúng tôi nhanh chóng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất vật nuôi”.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản An Giang, tính đến tháng 6/2024, diện tích liên kết tiêu thụ cá tra thương phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 1.072 ha, chiếm 87,6% diện tích nuôi toàn tỉnh. Trong đó, diện tích vùng nuôi doanh nghiệp đạt 778,6 ha; xây dựng 9 chuỗi liên kết với 99 cơ sở nuôi liên kết, diện tích 293,8 ha. Các doanh nghiệp liên kết nổi bật, gồm: Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty IDI – Tập đoàn Sao Mai, Công ty CP Thực phẩm Hưng Phúc Thịnh,…
Các hình thức liên kết gồm: Nuôi đầu tư thức ăn và thu mua cá nguyên liệu (doanh nghiệp đầu tư thức ăn và cam kết thu mua lại cá khi đến kỳ thu hoạch, người nuôi đầu tư các phần chi phí còn lại); nuôi gia công sản phẩm (doanh nghiệp hỗ trợ tiền mua giống, khoán hệ số thức ăn, đến khi thu hoạch sẽ chủ động bắt cá theo hợp đồng nuôi gia công). Qua đó, giúp người nuôi liên kết ổn định đầu ra sản phẩm.
Tuy nhiên, thách thức người dân gặp phải là tình trạng thiếu thông tin, bởi không phải lúc nào họ cũng có đủ thông tin về thị trường, dẫn đến quyết định sản xuất không chính xác. Đặc biệt là vấn đề về vốn đầu tư để đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất
Do đó, để khắc phục những khó khăn trên, cần có sự phối hợp của nhiều bên, trong đó Nhà nước tiếp tục cung cấp thông tin thị trường cho nông dân, xây dựng các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật,… Doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với nông dân để xây dựng chuỗi cung ứng, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Đối với nông dân cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp. Có như vậy sản xuất mới nâng cao hiệu quả. Hơn hết, mỗi “nhà” trong chuỗi liên kết nỗ lực làm tròn trách nhiệm, vai trò để giúp ngành hàng cá tra tiếp tục gặt hái thành công trong quá trình hội nhập sắp tới.
Nam Cường