Năm 2015, toàn tỉnh An Giang dự kiến sản xuất 300.000 con cá tra giống, 70.000 con cá hô và 1 triệu con cá điêu hồng Ecuador. Ngoài ra, còn sản xuất giống cá tra bột, cá lăng nha, một số loại cá bản địa… theo yêu cầu của thị trường.
Để thực hiện việc nuôi trồng thủy sản hiệu quả, An Giang sẽ đẩy mạnh phát triển các đối tượng chủ lực, gồm: cá tra, cá rô phi, cá ba sa, cá hú, cá lóc, cá sặc rằn… đáp ứng chương trình ứng dụng công nghệ cao và tái cơ cấu nông nghiệp. Đối với cá tra, xây dựng lại hệ thống sản xuất, ương giống đạt chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm; cơ sở, vùng nuôi cá tra thương phẩm phải đăng ký nuôi thủy sản, tuân thủ Nghị định 36/2014/NĐ-CP và Thông tư 23/TT-BNNPTNT quy định về vùng nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Với cá rô phi, tận dụng hệ thống nuôi cá trên sông chuyển đổi sang nuôi cá thương phẩm, duy trì và phát triển làng nghề nuôi cá bè truyền thống; sản xuất giống rô phi chất lượng cao phục vụ cho nuôi thương phẩm…
Cá tra là một trong những đối tượng chủ lực của tỉnh An Giang – Ảnh: Duy Khương
Để hỗ trợ người nuôi, ngành chức năng địa phương đang tập trung hỗ trợ người nuôi nâng cao năng lực, trình độ theo hướng tăng năng suất và chất lượng từ khâu sản xuất giống đến chế biến, tiêu thụ theo chuỗi. Chú trọng tổ liên kết sản xuất, chi hội thủy sản, gắn kết với doanh nghiệp chế biến thủy sản theo hình thức gia công, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cá tra nguyên liệu. Liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố có nuôi cá tra xuất khẩu để cân đối cung cầu. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các vùng chuyên canh VietGAP, xây dựng mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ.