Việc nuôi cá lóc, lươn trong bể nilon, bể xi măng xuất hiện ở phường Mỹ Thới và Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) nhiều năm nay, nông dân ứng dụng tốt các biện pháp kỹ thuật và kết quả mang lại rất khả quan. Mô hình này giúp nhiều hộ phát huy hiệu quả nghề nuôi thủy sản quy mô gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Nuôi thủy sản quy mô gia đình
Mô hình nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp của ông Mai Tấn Phước (khóm Thới An A, phường Mỹ Thạnh), do Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ và Sở Khoa học – Công nghệ An Giang chuyển giao kỹ thuật. Ông mạnh dạn ứng dụng, tiếp nhận hỗ trợ 1.500 con giống và thiết kế bồn nuôi bằng nilon 15 m2 (5 m x 3 m) và cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp. Sau 5 tháng nuôi, số lượng hao hụt lên tới 700 con, còn lại 800 con với trọng lượng từ 600 – 800 gr/con; bán được 13,7 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lời 6,6 triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ việc thử nghiệm này, ông làm thêm một bể thả 2.500 con, nuôi 3 tháng trọng lượng 400 – 500 gr/con, thu hoạch lời được trên 7,5 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá lóc trong bể nilon, bể xi măng được nông dân Mỹ Thạnh ứng dụng đại trà. Thực tế cho thấy, nếu thả cá lóc đầu vuông thì số lượng hao hụt từ 30 đến 40%, còn thả cá lóc đầu nhím thì khoảng 20 – 30%. Song, cá lóc đầu nhím chậm lớn, nên cho ăn thêm từ 21 giờ đến 23 giờ, cá tăng trọng nhanh hơn. Mô hình nuôi cá lóc trong bể nilon, bể xi măng không cần diện tích lớn, nhẹ công chăm sóc hơn, có thể tận dụng lao động gia đình, diện tích quanh nhà để nuôi mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế. Khóm Thới An A có 15 hộ đang nuôi cá lóc theo mô hình này, khả năng phát triển ổn định do có hiệu quả kinh tế. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Danh thả nuôi 700 con cá giống, ngoài thức ăn công nghiệp, ông còn tận dụng thêm thức ăn thu gom, sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí còn lợi nhuận trên 6 triệu đồng.
Tại phường Mỹ Thới, hơn 100 hội viên, nông dân ở khóm Long Hưng 2 được tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, do Trạm Khuyến nông và Hội Nông dân TP. Long Xuyên tổ chức. Đồng thời, triển khai xây dựng 3 điểm trình diễn và chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn tại địa bàn. Ông Bùi Hữu Đức cho biết, sau khi học nghề, hầu hết bà con nông dân nuôi lươn đều đạt kết quả tốt, ai cũng biết chọn lươn giống khỏe mạnh và chăm sóc đúng phương pháp từ khâu thả lươn giống cho đến lúc thu hoạch. Điều quan trọng hơn, giảm hao hụt đáng kể so với trước, sản lượng thu hoạch lươn loại 1 và loại 2 đạt từ 75 – 80%. Sau đợt thu hoạch, số còn lại là lươn loại 3 tiếp tục nuôi thêm 3 tháng thì đạt loại 2, thậm chí nâng lên loại 1.
Theo ông Đức, thiết kế bồn nuôi lươn bằng nilon, diện tích mỗi bồn 40m2 (4m x 10m) có thể thả lươn giống 40 – 50 con/m2 (loại 50 – 60 con/kg), sau 5 – 6 tháng nuôi cho trọng lượng mỗi con từ 150 – 200 gr, sản lượng có thể đạt 250 – 300 kg/bồn. Tổng chi phí đầu tư trên 24 triệu đồng/bồn, giá thành 57.000 đồng/kg; giá bán bình quân 115.000 đồng/kg, doanh thu trên 34,5 triệu đồng/bồn, trừ chi phí còn lời trên 10 triệu đồng/bồn. Khóm Long Hưng 2 đã có hơn 80 nuôi lươn, mỗi hộ từ 3 đến 6 bồn, tăng nhiều lần so với những năm trước. Mô hình này còn tạo điều kiện cho bà con kiếm thêm thu nhập từ việc bắt ốc bươu vàng, cào hến… làm thức ăn cho lươn nuôi.
Phát huy hiệu quả mô hình này, Trung tâm Giống thủy sản An Giang cũng đã chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lươn cho nông dân Trần Ngọc Sang (xã Mỹ Khánh) và nông dân Trần Văn Niên (phường Mỹ Hòa), kết quả, tỉ lệ ương nuôi lươn giống đạt từ 60 – 70%. Mô hình mở ra tiềm năng mới cho nghề nuôi thủy sản quy mô gia đình và khả năng cung ứng lươn giống cho người nuôi lươn thương phẩm.
>> “Mô hình nuôi lươn trong bể nilon, bể xi măng ở ngoại thành phát triển khá ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt. Chỉ 2 năm 2013 – 2014, các xã, phường ngoại thành có trên 350 bể nuôi lươn” – ông Võ Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên, cho hay. |