(TSVN) – Từ này 20 – 24/4, ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền năm 2022 đã được tổ chức tại quảng trường phường Châu Phú A, TP Châu Đốc; với quy mô hơn 180 gian hàng của 150 đơn vị đến từ An Giang và 19 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo đó, các gian hàng được chia làm 3 khu vực, gồm: Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản An Giang; Khu triển lãm các tỉnh, thành phố; Khu không gian văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng. Trong đó, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản An Giang sẽ triển lãm theo 4 chuyên đề chính: Mắm – Lúa gạo – Thủy sản – Khô và sản phẩm OCOP địa phương, sản phẩm du lịch, ẩm thực các địa phương, các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc. Khu vực triển lãm tôn vinh ngành mắm An Giang sẽ tạo điểm nhấn, giới thiệu quá trình hình thành, phát triển làm nên thương hiệu của nghề làm mắm Châu Đốc – An Giang. Đặc biệt tại khu không gian Văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng sẽ tổ chức các hoạt động ẩm thực các món ăn địa phương chế biến từ mắm hoặc sử dụng cùng nước chấm mắm.
Đây cũng là nơi giới thiệu các món ăn địa phương chế biến từ mắm và một số món ăn đặc trưng của An Giang. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tái hiện các tiểu cảnh nhằm tôn vinh nghề làm khô, mắm truyền thống của người dân An Giang xưa – nay. Triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội của TP Châu Đốc và tỉnh An Giang. Trong đó đặc sắc và hấp dẫn nhất là món lẩu mắm với sự kết hợp hoàn hảo giữa sắc màu của các loại rau ăn kèm với mùi vị đặc sắc của mắm và các loại thủy sản đặc trưng của vùng đầu nguồn sông Cửu Long.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, sự kiện “Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền năm 2022” sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kết nối cung – cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ, định hướng phát triển sản xuất sản phẩm theo nhu cầu phát triển của thị trường. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu các sản phẩm và hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thành chỉ tiêu chất lượng, nhãn hiệu của từng sản phẩm làm ra. Đồng thời, thông qua sự kiện này, để các đơn vị mở rộng thị trường, kết nối giao thương, mặt khác, cũng là dịp để tỉnh An Giang quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ẩm thực đa dạng, phong phú, và nét đẹp văn hóa truyền thống của 4 dân tộc Kinh – Khmer – Chăm – Hoa sinh sống tại tỉnh An Giang nói riêng và của vùng ĐBSCL nói chung. Ngày hội không chỉ tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến TP Châu Đốc, giới thiệu các sản phẩm du lịch, đặc sản An Giang mà còn là cơ hội kết nối các vùng miền, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước kết nối cung cầu, đẩy mạnh giao thương. Thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ hình thành Hiệp hội mắm, gắn kết với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL luân phiên tổ chức ngày hội mắm. Từ đó, làm hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận mắm Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Giao Bảo