T2, 06/07/2020 12:14

An toàn cho ngư dân khi khai thác thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù đã được khuyến cáo, tuyên truyền về quy định khi tham gia khai thác thủy sản trên biển nhưng một vài ngư dân vẫn “nhắm mắt” vi phạm, gây hậu quả nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Gia tăng

Trong năm 2015 và từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm ngư trường khai thác có xu hướng gia tăng, điển hình tại một số tỉnh như: Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An… Những vi phạm chủ yếu tập trung vào các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản; về quản lý tàu cá và quản lý thuyền viên tàu cá; sử dụng mặt nước biển để nuôi thủy sản; thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, mua bán, nhập khẩu sản phẩm thủy sản…

Vài năm gần đây, ngư dân Việt Nam bị Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan rượt đuổi, bắn, bắt, giam giữ, buộc nộp phạt… trong  lãnh  hải  của  những  quốc gia này tăng vọt. Đa số các tàu đánh cá bị bắt giữ đều bị tịch thu, một số ít được trả lại nhưng chủ tàu phải đóng tiền phạt rất nặng. Mới đây, từ ngày 3 – 7/4, Hải quân Vùng I Thái Lan đã bắt giữ 11 tàu cá cùng 102 ngư dân Việt Nam; các ngư dân bị bắt đến từ Cà Mau. Đêm 17/4, cơ quan thực thi luật biển Malaysia đã bắt giữ 1 tàu cá Việt Nam cùng 14 ngư dân, do xâm nhập vào vùng biển nước này. Trước đó, ngày 10/4, 1 tàu cá Việt Nam với 6 ngư dân, bao gồm cả thuyền trưởng, cũng bị phía Malaysia bắt giữ khi đang đánh cá trái phép.

an toàn cho ngư dân khi khai thác thủy sản

Ngư dân phải khai thác thủy sản trong lãnh hải Quốc gia – Ảnh: Xuân Trường

 

Nâng cao nhận thức

Những vụ vi phạm như trên đã ảnh hưởng tới hoạt động của ngư dân và tình hình khai thác trên biển. Thậm chí, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng ngư dân có thể bị thiệt mạng. Về lâu dài, những vụ việc này còn ảnh hưởng tới an ninh khu vực và làm mất đoàn kết giữa các bên trên vùng biển.

Đặc biệt, một số chủ tàu, thuyền trưởng tự tìm cách móc nối với các đối tượng nước sở tại, đóng tiền để được vào vùng biển nước đó khai thác. Cho đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào có quyền cấp phép cho tàu nước ngoài vào vùng biển nước mình để khai thác hải sản và ngược lại. Việc tự đóng tiền ra vùng biển nước ngoài khai thác, khi bị bắt tự tìm cách liên hệ với các đối tượng để chuộc tàu, bảo lãnh người về, không đến trình báo với cơ quan chức năng đã làm cho tình hình càng thêm phức tạp, khó giải quyết.

Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, tỉnh đã áp dụng tất cả các biện pháp để hạn chế tình trạng trên. Thời gian tới, Cà Mau sẽ tiếp tục bổ sung và triển khai kế hoạch tăng cường các biện pháp ngăn chặn tàu cá và ngư dân Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ. Thông qua tuyên truyền kết hợp tiếp xúc đối thoại với các thuyền trưởng, chủ tàu khai thác xa bờ, nhằm giúp ngư dân hiểu rõ những vấn đề liên quan đến ranh giới biển giữa Việt Nam và các nước; hình thức xử lý đối với tàu khai thác hải sản trái phép của các nước trong khu vực. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền cơ sở quản lý chặt địa bàn, giám sát những đối tượng có khả năng vi phạm cao để ngăn chặn kịp thời.

Theo Cục Kiểm ngư, đơn vị đã làm việc với các cơ quan của các nước bắt giữ ngư dân để các nước thả ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, khi ngư dân trở về nước, Cục Kiểm ngư tiếp tục xử phạt ngư dân để những đối tượng này không tái phạm nữa.

>> Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, ngư trường Việt Nam ở một số khu vực đã cạn kiệt hoặc tới mức giới hạn, việc đánh bắt không hiệu quả nên nhiều ngư dân tìm kiếm ngư trường mới. Trong quá trình tìm kiếm đã vô tình hoặc cố tình xâm phạm ngư trường của các nước khác và bị bắt giữ. Những trường hợp cố tình, phải phải giáo dục và xử lý nghiêm. Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương triển khai phổ biến pháp luật cho ngư dân đi biển.

Tuấn Khang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!