Artemia: Hướng nuôi mới giúp nông dân thoát nghèo

Chưa có đánh giá về bài viết

Artemia là loài giáp xác sống trong nước có độ mặn cao (80 – 120‰), thời vụ nuôi nuôi thích hợp từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch. Artemia thường được nuôi lấy trứng làm thức ăn cho tôm giống (giai đoạn ấu trùng lên post-larvae).

Tỉnh Bạc Liêu hiện có 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực này, đó là: Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu; Artemia Thuận Thành và HTX Artemia Thuận Phát. Tổng diện tích nuôi Artemia của 3 HTX này là 304 ha, cho sản lượng 15 – 18 tấn/năm, lợi nhuận từ bán Artemia khô ra thị trường trong ngoài nước khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Nhiều hộ ở Bạc Liêu thoát nghèo nhờ Artemia – Ảnh: Phan Thanh Cường

Ông Âu Minh An (HTX Thuận Thành) cho biết, nếu quản lý, chăm sóc tốt, với 1 ha sau 8 tháng nuôi sẽ cho khoảng 100 kg trứng tươi. Với giá hiện nay 1 triệu đồng/kg trứng tươi (bán tại chỗ), người nuôi thu lãi 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, sau vụ sản xuất Artemia, người nuôi có thể có thêm thu nhập từ sản xuất muối và nuôi đối tượng khác (như tôm sú, cá kèo…). Mô hình này giúp phá thế độc canh sản xuất muối truyền thống và đang được chính quyền địa phương  khuyến khích nhân rộng.

Nuôi Artemia chi phí đầu tư thấp, diêm dân sau khi cải tạo kỹ ruộng muối thì tiến hành lấy nước và gây màu bằng phân hữu cơ, vô cô (thường sử dụng phân chuồng). Khi nước trong ruộng muối có độ mặn thích hợp thì có thể tiến hành nuôi Artemia.

>> Theo TS Nguyễn Văn Hòa (Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ): Artemia sống thích hợp trên vùng đất làm muối. Đến nay, chúng vẫn được xem là cứu cánh cho nghề muối, vì có những lúc muối làm ra không tiêu thụ được. Trong khi đó, so sánh với nghề muối, lợi nhuận từ nghề nuôi Artemia cao gấp 3 – 5 lần.

Ông Nguyễn Văn An (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh) chia sẻ kinh nghiệm, thường người nuôi cho ấp trứng Artemia với lượng 5 g/lít nước; trứng được nuôi cấy trong điều kiện thích hợp có sục khí sau 24 giờ có thể vận chuyển ra nuôi ngoài ruộng muối với mật độ 70.000 – 100.000 cá thể/m2. Trong quá trình nuôi, cần điều chỉnh độ mặn, pH trong khoảng thích hợp và  thường xuyên bổ sung phân hữu cơ, vô cơ để gây màu tạo nguồn thức ăn cho Artemia.

Artemia nguồn gốc Mỹ, sau khi du nhập về Việt Nam đã được nuôi ở nhiều tỉnh ven biển; đặc biệt là tại Bạc Liêu, Sóc Trăng. Ông Tạ Vũ Hưng khẳng định, trứng Artemia sản xuất tại Bạc Liêu rất giàu dinh dưỡng và có hàm lượng HUFA (axít béo không bão hòa) hạng nhất thế giới nên rất được ưa chuộng ở thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, nghề nuôi Artemia thu trứng trong nhiều năm qua đã là cứu cánh của người sản xuất muối tại 2 tỉnh kể trên.

Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu cho biết, thời gian tới, các cơ quan chức năng cùng chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện cho nghề nuôi Artemia ngày càng phát triển.

Trần Thiện

>> Giá trị kinh tế của Artemia

Artemia là tên khoa học của một loài giáp xác có tính rộng muối (từ vài ‰ đến 250‰). Chúng thường sống ở biển hoặc được nuôi trong ruộng muối, thức ăn chủ yếu là các hạt lơ lửng trong nước và sinh vật cỡ như tảo và vi khuẩn. Với chu trình biến thái ngắn, sau 10 – 15 ngày chúng có thể đạt giai đoạn trưởng thành, tham gia sinh sản. Tùy điều kiện môi trường, Artemia sinh trưởng và sinh sản khác nhau, có dòng đơn tính, dòng lưỡng tính, đẻ con hoặc đẻ trứng. Khi nồng độ muối cao hơn 70 ‰ và dinh dưỡng kém, nhiệt độ cao thì Artemia có xu hướng đẻ trứng bào xác.

Ấu trùng Artemia mới đẻ hay mới nở có kích thước 400 – 500 µ, con trưởng thành dài không quá 20 mm. Trong quá trình phát triển, Artemia qua 15 lần lột xác, mỗi lần thay đổi cả hình dạng lẫn kích thước. Artemia có thể sinh sản lần đầu sau 8 ngày phát triển, thường sau 12 – 15 ngày. Mỗi lần đẻ khoảng 300 trứng hoặc con, chu kỳ đẻ 4 ngày/lần. Trong điều kiện tốt, Artemia có thể sống được 6 tháng.

Artemia tươi sống đã trở thành thức ăn chủ yếu trong ương nuôi ấu trùng tôm. Chúng lơ lửng trong nước nuôi; người nuôi có thể quan sát dễ dàng. Trứng của chúng có thể lưu giữ trong thời gian dài và ấp nở theo nhu cầu để cung cấp lượng thức ăn tươi sống thuận tiện cho ấu trùng tôm và giáp xác. Những năm qua, ngành công nghiệp nuôi tôm đã tính toán đầy đủ lượng trứng Artemia thu hoạch và tồn kho để cho phép các nhà cung cấp Artemia đáp ứng nhu cầu thị trường.

TS Nguyễn Văn Hòa (Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ) cho biết: Artemia sống thích hợp trên vùng đất làm muối ven biển Nam Việt Nam. Trên thế giới rất ít nước nuôi được Artemia. Tại Mỹ, người ta khai thác tự nhiên, theo mùa nên số lượng hạn chế và độ đạm của trứng Artemia thấp hơn Việt Nam nhiều lần. Ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, việc ứng dụng đối tượng này đã được thực hiện từ đầu những năm 1990, đến nay vẫn được xem là cứu cánh cho nghề muối, vì có những lúc muối làm ra không tiêu thụ được. Trong khi đó, so sánh với nghề muối, lợi nhuận từ nghề nuôi Artemia cao gấp 3 – 5 lần.         

          Đức Trung (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!