(TSVN) – Sau thí điểm thành công ở các quốc gia khác nhau, Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) phát triển khung Dự án cải tiến nuôi trồng thủy sản toàn cầu (AIPs). Các trại tôm có thể đăng ký tham gia và nhận hỗ trợ để cải tiến hoạt động nuôi tôm.
Do không phải tất cả các nhà sản xuất thủy sản đều đáp ứng được tiêu chuẩn ASC, tổ chức này đã tạo ra chương trình cải tiến AIPs. Chương trình này sẽ hỗ trợ các trang trại chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ điều kiện đạt chứng nhận ASC nhưng cam kết cải thiện phương pháp canh tác tại trang trại của mình.
Nhận thấy ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang thiếu khung AIP minh bạch, ASC đã thiết lập một phương pháp tiếp cận cấu trúc để theo dõi tiến trình AIP. Mỗi AIP bắt đầu bằng phép đo cơ bản gồm phân tích khoảng cách và kế hoạch dự án có thời hạn. Tiến độ cần phải được báo cáo thường xuyên và được xác minh thông qua đơn vị độc lập; tất cả thông tin này sẽ công khai trên website của ASC.
AIPs sẽ hỗ trợ các trang trại chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ điều kiện đạt chứng nhận ASC nhưng cam kết cải thiện phương pháp nuôi tôm. Ảnh: Shutterstock
Các trại nuôi tôm chọn một trong hai lộ trình AIP: Đầu tiên là lộ trình chứng nhận từ AIP lên ASC gồm 4 giai đoạn để cải thiện hiệu suất lên mức sẵn sàng – đây là thời điểm cuối AIP để bắt đầu quy trình chứng nhận ASC; Thứ hai là lộ trình AIP lên Better Practices, được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trại tôm không muốn chứng nhận ASC nhưng muốn cải thiện phương thức thực hành chăn nuôi có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
ASC cho biết, AIP giúp nâng cao các tiêu chuẩn minh bạch và uy tín trong ngành NTTS. Theo ASC, tính minh bạch sẽ trở thành tiêu chí quan trọng thúc đẩy tương tác giữa các bên về hoạt động và đầu tư cần thiết theo mô hình công bằng và hợp lý. ASC sẽ trực tiếp đào tạo các thành viên tham gia thực hiện AIP và xác minh AIP đồng thời chịu mọi chi phí xác minh AIP.
Roy van Daatselaar, Giám đốc chương trình cải tiến toàn cầu của ASC cho biết, khung AIPs cùng các hỗ trợ của ASC sẽ thay đổi toàn chuỗi NTTS. Các nhà chế biến và nhập khẩu thủy sản cũng có thể tham gia AIPs ngay bây giờ và nhận hỗ trợ trực tiếp từ ASC dưới hình thức đánh giá và phát triển năng lực. Các hãng bán lẻ và người tiêu dùng thủy sản có thể truy cập vào trang web của ASC và theo dõi diễn biến của quy trình AIP.
Mô hình thí điểm AIP – ASC đầu tiên ở Indonesia với sự tham gia của các doanh nghiệp T BMI, Sekar Bumi và JALA. Ngoài ra, ASC cũng đang thí điểm với Lenk Seafood Services và Luna Seafoods, hai doanh nghiệp đang gia công với 125 hộ nông dân nuôi tôm quảng canh ở Bangladesh.
Thai Union là tập đoàn đầu tiên tham gia AIP với mục tiêu tăng thêm 4.000 tấn tôm và 11.700 tấn hải sản khác đạt ASC. Adam Brennan, Giám đốc phụ trách bộ phận phát triển bền vững của Thai Union cho biết: “Chúng tôi đã bổ sung thêm cam kết nuôi thủy sản có trách nhiệm vào chiến lược SeaChange 2030, giải quyết các tác động chính bao gồm: quyền của người lao động, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Tháng 7/2023, Thai Union đã cam kết 100% tôm và thức ăn cho tôm được sản xuất theo phương pháp giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái, đáp ứng biện pháp thực hành tốt nhất về phúc lợi và điều kiện làm việc; 100% trang trại đạt điều kiện làm việc an toàn vào năm 2030. Thông qua khung AIP mới của ASC, Thai Union có thể kết nối với nhà cung cấp về kế hoạch hành động, theo dõi và xác minh rõ ràng theo một phương pháp chuẩn hóa hơn so với trước đây.
ASC cũng đặt mục tiêu mở rộng quy mô danh mục đầu tư trong những năm tới và hỗ trợ quy trình AIP ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh; đồng thời bắt tay với đối tác Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) và Đối tác nghề cá bền vững (SFP) tìm cách thúc đẩy nỗ lực cải tiến NTTS. Sau khi ra mắt tiêu chuẩn trang trại Farm Standard vào năm 2024, ASC sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi AIP cho các đối tượng nuôi khác.
Tuấn Minh
(Theo Worldfishing)