(TSVN) – Một hợp tác nghiên cứu mới của Đại học James Cook mới được khởi động nhằm mang lại cho ngành nuôi tôm sú ở miền Bắc Australia một sự thúc đẩy về an toàn sinh học.
Nghiên cứu kéo dài 3 năm, trị giá 809.000 USD này là sự hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Bắc Australia (CRCNA), Đại học James Cook (JCU), Tổng công ty Nghiên cứu và Phát triển Thủy sản (FRDC) và Hiệp hội Nông dân nuôi tôm Australia (APFA).
Lễ khởi chạy dự án chính thức diễn ra vào ngày 7/10 vừa qua, được chủ trì bởi Bộ trưởng phụ trách Bắc Australia David Littleproud, tại khuôn viên Townsville của JCU. Dự án được xây dựng dựa trên những phát hiện và dữ liệu từ một cuộc kiểm tra an toàn sinh học do CRCNA tài trợ vào năm 2020, nhằm xác định những mầm bệnh và virus phổ biến nhất được tìm thấy trong quần thể tôm sú trên khắp Queensland.
TS Kelly Condon của JCU trong phòng nghiên cứu. Ảnh: Thefishsite
Nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng thông tin này để xác định tác động của các chất chiết xuất từ virus đã được tinh chế, theo trình tự đối với tỷ lệ sống, năng suất tăng trưởng và sinh học của tôm sú. Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Kelly Condon cho biết công trình sẽ giúp ngành công nghiệp này hiểu rõ hơn về tác động của virus đối với tôm nuôi và phát triển các phương thức tốt hơn để quản lý tác động của dịch bệnh.
“Việc có được những chủng vi khuẩn đã được tinh chế này sẽ giúp các nhà nghiên cứu sau đó có thể phát triển các thử nghiệm để xác định dễ dàng và chính xác hơn khi nào các chủng mầm bệnh xuất hiện trong quần thể tôm sú nuôi và tôm sú tự nhiên. Các dữ liệu và kiến thức chính xác về độc lực của mầm bệnh cho phép người nuôi tôm quản lý đàn giống tốt hơn thông qua khả năng sàng lọc được cải thiện. Điều đó có nghĩa là nông dân có thể bắt đầu chọn lọc các chủng di truyền kháng thuốc và sau đó, với kiến thức về các gen kháng thuốc, họ có thể sàng lọc các quần thể và chọn lọc các cá thể có gen kháng thuốc”, TS Kelly cho biết.
Ngoài việc thanh lọc virus, nhóm nghiên cứu sẽ đưa chúng vào một loạt các thí nghiệm để kiểm tra xem các áp lực môi trường khác nhau – như sự thay đổi về nhiệt độ và độ mặn của nước – có thể ảnh hưởng như thế nào đến độc lực của mầm bệnh.
Ông Tony Charles từ Ban RD&E của APFA cho biết dự án có thể mang lại thắng lợi lớn cho ngành nuôi tôm sú. “Lần đầu tiên, ngành công nghiệp sẽ được tiếp cận với các chủng virus đã được tinh chế để cung cấp thông tin tốt hơn cho các chương trình nhân giống trong tương lai nhằm phát triển tôm giống kháng bệnh hoặc chịu được bệnh. Mặc dù những mầm bệnh và virus này không gây hại cho sức khỏe con người, nhưng kiến thức này sẽ tăng cường sự chắc chắn trong quản lý an toàn sinh học và sẽ giúp người nuôi tôm phát triển lợi nhuận kinh doanh”, ông nói.
Còn ông Wayne Hutchinson của FADC cho biết ngành công nghiệp nuôi tôm sú Bắc Australia có thể đạt được tiềm năng là tăng sản lượng từ khoảng 4.630 tấn/năm lên 16.000 tấn/năm vào năm 2029 – 2030. Để đạt được mục tiêu này thì cần kết hợp an toàn sinh học với quản lý dịch bệnh một cách chặt chẽ.
Ông cho biết: “Dự án này sẽ thực hiện bằng cách tạo ra các tiêu chuẩn virus có thể được sinh tồn để kiểm tra hiệu quả mạnh mẽ của các liệu pháp chống virus mới và đánh giá khả năng đề kháng của gen đối với việc nhiễm virus, dẫn đến tăng cường sự chắc chắn trong các lựa chọn điều trị. Dự án cũng sẽ nâng cao độ chính xác của việc phát hiện và quản lý bệnh bằng cách cung cấp một nhóm các mẫu để các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành tham khảo trong quá trình làm xét nghiệm định kỳ của mình”.
Hoài Thu
Theo Thefishsite