Bảo vệ môi trường trong nuôi tôm STC

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong quá trình nuôi tôm siêu thâm canh (STC), nếu không có quy trình xử lý nước thải, chất thải hiệu quả sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Xử lý bằng hầm ủ Biogas 

Áp dụng xử lý yếm khí chất thải từ nuôi tôm bằng hầm ủ Biogas nhằm để thu khí gas. Tuy nhiên, khối lượng nước thải, chất thải của mô hình nuôi tôm STC hàng ngày rất lớn trong khi hầm ủ Biogas rất khó lấy bã đã ủ ra khỏi hầm để ủ đợt mới (do miệng hầm nhỏ, bã hầm ủ rất cứng do trong bã ủ có lẫn vôi, khoáng trong quá trình nuôi tôm). Thực tế hiện nay số lượng hầm ủ Biogas đã và đang được nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng nhưng trong đó có trên 90% không hoạt động hoặc có hoạt động thì chỉ sử dụng một phần chất thải do không có giải pháp lấy chất bã đã đầy hầm ra ngoài. Người nuôi tôm có hầm ủ Biogas nhưng thật ra vẫn xả thải trực tiếp ra sông, kênh, rạch gây ô nhiễm và phát thải khí nhà kính cao bởi trong nước thải, chất thải còn phần lớn chất dinh dưỡng như N, K, P… (Theo tính toán, lượng tích lũy nitơ trong tôm, trong nước, trong bùn đáy và lượng thất thoát lần lượt là 16%, 29%, 28% và 27% và đối với Phốt pho là 9%, 2%, 40% và 49%. Nitơ tích lũy nhiều trong nước và Phốt pho tích lũy nhiều trong đất. Khi sản xuất ra 1 tấn tôm sú thì thải ra môi trường khoảng 118 ÷ 120 kg N và 30÷33 kg P). 

Hệ thống xử lý chất thải lắp đạt tại Hợp tác xã Dịch vụ NTTS 30/4

Tuần hoàn sinh thái (Nuôi cá rô phi trong ao chứa, lắng nước) 

Một số doanh nghiệp, hộ nuôi tôm STC có diện tích đất sản xuất lớn, thường họ quy hoạch 1 hay nhiều ao để chứa, lắng nước thải, chất thải mỗi lần thay nước, xi phông. Tại các ao chứa này thả nuôi cá rô phi, cá kèo… để tận dụng dinh dưỡng trong chất thải của tôm và tái sử dụng nguồn nước. Tuy nhiên, nguồn nước tuần hoàn trong các ao này vẫn không đảm bảo các chỉ tiêu để tái sử dụng lại được cho ao/hồ nuôi tôm và hiện nay chưa có nghiên cứu nào xác định tỷ lệ ao chứa, lắng và mật độ cá thả phù hợp để xử lý hết nguồn chất thải của tôm nuôi. Do vậy, nguồn nước tại các ao này vẫn tự chảy tràn ra môi trường ngoài ở mỗi kỳ thay nước hay xi phông. 

Mô hình tuần hoàn 

Đây là mô hình của Trường Đại học Cần Thơ. Xử lý bằng hệ thống lọc sinh học tuần hoàn có lượng chất thải ra môi trường rất nhỏ. Tại hệ thống lọc có cấy men vi sinh để xử lý chất thải và nước được luân chuyển tuần hoàn. Tuy nhiên, yêu cầu của hệ thống xử lý, bể lọc sinh học cần diện tích lớn, chiếm đến 20% diện tích nuôi. Khi áp dụng giải pháp này cần phải có kiến thức sâu về vi sinh xử lý trong hệ thống lọc, đo đếm, kiểm tra hàng ngày để bảo đảm hệ thống lọc hoạt động tốt như lý thuyết. Do vậy, giải pháp này người nuôi khó áp dụng. 

Hệ thống xử lý chất thải lắp đạt tại Hợp tác xã Dịch vụ NTTS 30/4

Trước thực tế đó, nhóm tác giả thuộc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu nghiên cứu, hoàn thiện giải pháp thu gom, xử lý chất thải (phân tôm) tuần hoàn nước trong mô hình nuôi tôm STC dựa trên cơ sở khoa học kết hợp kinh nghiệm sản xuất thực tiễn: tính toán lượng thức ăn/chất thải trong ngày của tôm, nghiên cứu vòng đời phát triển của tảo, của vi sinh vật có trong ao/hồ nuôi, cơ chế hoạt động của men vi sinh và tình hình thực tế trong ao/ hồ nuôi như các chỉ số pH, độ kiềm, chỉ số Ca, Mg, NH3/NH4, H2S, hàm lượng ôxy hòa tan… để sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại thức ăn đúng cách, đúng liều và tiến hành thay nước, xi phông thu gom, xử lý chất thải đúng lúc. 

Với nguyên lý hoạt động của hệ thống là khép kín (1) Nguồn chất thải, nước thải khi thay nước, xi phông được quản lý theo hệ thống dây chuyền tuần hoàn và tái sử dụng nguồn nước. Do vậy, đã tiết kiệm được năng lượng, thời gian bơm, lắng nước từ nguồn nước cấp bên ngoài cũng chi phí sử dụng các loại khoáng, vi sinh… để xử lý trước khi có thể sử dụng cho ao/hồ nuôi (2) Nguồn chất thải được thu gom và sử dụng máy ép phân tôm để ép khô, phối trộn men vi sinh, phụ gia làm phân bón hữu cơ hoặc sử dụng nuôi các đối tượng nuôi trồng khác (nuôi Artemia, trùn chỉ, cá rô phi…) vừa giúp ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất xanh góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm ô nhiễm môi trường, giảm lượng phát thải CO2

Giải pháp được đánh giá là hữu ích, tạo ra nhiều ưu thế, cơ bản đã giải quyết được những vấn đề cấp bách hiện nay là xả thải gây ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh, giải pháp đã chuyển giao thực hiện hiệu quả tại Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh; Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu; Hợp tác xã Dịch vụ NTTS 30/4… Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề về môi trường, làm cho ngành tôm phát triển bền vững hơn cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương, nhất là trong công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình hay, các giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả từ các công ty, doanh nghiệp, làm cho cộng đồng hiểu và tuân thủ các quy định về công tác bảo vệ môi trường theo pháp lệnh bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm Quyết định số 01/2019/ QĐ-UBND ngày 5 tháng 1 năm 2019 của UBND tỉnh Bạc Liêu về Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm STC trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Quyết định số 23/2021/QĐ-UBND ngày 19/8/2022 của UBND tỉnh Bạc Liêu về Ban hành Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. 

Theo tính toán, trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với sản lượng tôm đạt 80.000 tấn, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) ở ngưỡng 1,1 – 1,3 thì lượng thức ăn tiêu tốn khoảng gần 100.000 tấn. Lúc đó, lượng phân tôm thải ra môi trường khoảng 30.000 – 40.000 tấn (1 tấn thức ăn tôm thải ra khoảng 300 – 400 kg phân). 

Nguyễn Văn Hưng

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!