Nhờ có máy kéo câu, người đi biển không phải dùng sức kéo của ít nhất 6 người trong 10 giờ để kéo cần câu, gỡ cá. Đây là sản phẩm sáng tạo của 3 chàng trai ngư dân trẻ Đà Nẵng.
Đến âu thuyền Thọ Quang (Quận Sơn Trà) hỏi máy kéo câu ai cũng biết. Bởi trên nhiều chiếc thuyền đi biển đậu ở đây đã trang bị cho mình loại máy này từ 2 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Văn Hứ, một ngư dân, cho biết: “Lúc trước ngư dân chúng tôi kéo câu mực, cá ngoài biển tốn nhiều người, thời gian lại cũng lâu. Kể từ khi 3 anh em ở xưởng cơ khí Hoàng Nhân Xuân sáng tạo nên máy kéo, ngư dân khoẻ re, rất nhẹ nhàng trong khi làm”.
Liên hệ với Hội nông dân phường Nại Hiên Đông, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch Hội giúp liên hệ được anh Lê Văn Hoàng (SN 1987, trú Quận Sơn Trà) chính là một trong 3 người sáng tạo máy kéo câu tại cơ sở đường Lê Văn Hiến, Quận Ngũ Hành Sơn để tìm hiểu.
Mặt sau máy kéo câu với bộ phận thuỷ lực chính là “sức mạnh” của máy
Mặt trước của máy kéo câu câu với nhiều trục để thu câu
Anh Hoàng cho biết, để sáng tạo nên chiếc máy kéo câu là công sức, tâm huyết, tiền bạc bỏ ra của cả 3 anh em. Hai người còn lại đó là anh Nguyễn Văn Xuân (1984) và anh Phan Thành Nhân (1986, cùng trú Quận Ngũ Hành Sơn).
Khi được hỏi về ý tưởng của mình, anh Hoàng nói, cả 3 anh em đều xuất thân trong gia đình làm nghề đi biển để đánh bắt cá, mực. Học hết cấp 3, đứa đi bộ đội, đứa tiếp tục gắn bó nghề với gia đình. Sau đó, tất cả đều đi học nghề cơ khí tại địa phương.
Vì cuộc sống khó khăn, chưa có tiền bạc mở cơ sở, trong thời gian trở lại đi biển giúp gia đình, cả anh em nhận thấy việc kéo câu quá vất vả về thời gian, sức lực. Họ cùng suy nghĩ rồi lên kế hoạch sáng tạo một loại máy móc để giúp gia đình mình rồi nếu thành công sẽ giúp đỡ mọi người.
Manh nha ý tưởng như vậy nhưng mãi đến đầu năm 2012, cả 3 anh em mới bắt tay vào thực hiện vì không có vốn. Sau nhiều lần ngồi lại cùng vẽ sơ đồ thiết kế, góp ý hoàn thiện, cất công đi khắp nơi tìm thiết bị phù hợp, đến đầu năm 2013, sản phẩm mang tên máy kéo câu đầu tiên ra đời.
“Máy kéo câu khi ấy chạy bằng điện, khi đưa vào vận hành thử thấy chưa như ý. Tôi cùng anh em tiếp tục sữa chữa, đổi mới hơn 10 lần, đến đầu năm 2014 là hoàn thiện chính thức” – Anh Hoàng nói.
Anh Hoàng bên máy kéo câu cùng hai anh em đã sáng tạo
Dẫn chúng tôi vào bên trong xưởng, anh Hoàng đưa tay chỉ vào chiếc máy mới màu xanh đã làm xong, giới thiệu: Đây là chiếc máy kéo câu hoàn thiện đang chờ giao cho khách đặt.
Thời gian hoàn thành một chiếc máy câu mất khoảng 10 ngày, tuỳ thuộc vào việc nhập thiết bị về. Nhìn tổng thể chiếc máy được hoàn thiện từ những khối thép đúc, hai là thiết bị vận hành được gắn vào để điều khiển. Khối thép được mua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, được cắt theo mẫu sẵn. Trên khối thép có các con lăn nối các khuỷa trục. Trên các khuỷa trục đặt dây cua rơ để luồn sợi dây câu vào kéo, có lực ma sát giữ lại nên không tuột. Phần thứ hai quan trọng nhất là “sức mạnh” của máy từ bộ phận thuỷ lực được nhập hàng về hoàn toàn từ thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quan sát của chúng tôi, bộ phận thủy lực là hai dây chính được nối với buồng máy và con quay trên khối thép. Khi máy nổ tạo ra lực để làm chạy con quay. Tốc độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào người điều khiển máy. Khi đưa xuống thuyền, khối thép sẽ được đặt bên mạn thuyền còn buồng máy đặt nối vào.
“Bình thường để thu câu cần ít nhất 6 người làm trong 10 tiếng đồng hồ. Trong 6 người thì 4 người kéo câu, 2 người gỡ cá. Nếu dùng máy kéo thì chỉ cần 2 người gỡ cá và một người điều khiển máy vận hành nhanh hay chậm mà thôi, tốn thời gian khoảng 7 tiếng. Rất tiện dụng bởi kéo tới đâu, gỡ tới đó đều do mình cả” – Anh Hoàng khẳng định.
Chính nhờ những con thuyền trong gia đình 3 anh em đưa vào sử dụng đầu tiên, nhiều tàu câu ra khơi biết được hiệu quả nên tìm mua. Đến nay họ đã bán được 30 máy cho các ngư dân ở chủ yếu 3 tỉnh là Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam. Mỗi máy được bán với giá 30 triệu đồng.
Theo ông Tài, hiện trên địa bàn phường Nại Hiên Đông có 5 thuyền công suất từ 20 – 40 CV được trang bị máy kéo câu. Mặc dù đã thấy được hiệu quả kinh tế, giải phóng được sức người nhưng do giá thành còn cao nên chưa thể trang bị cho các thuyền.