T2, 06/07/2020 11:36

Bà Rịa – Vũng Tàu: Gỡ khó cho ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Luồng lạch, cửa biển bị vùi lấp gây trở ngại đến việc đưa tàu ra khơi vào bến; dịch vụ nghề cá chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường là những khó khăn chính mà ngư dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu phải đối mặt.

Luồng lạch bị bồi lấp

Hiện hệ thống luồng lạch một số cảng cá ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị bồi lấp nghiêm trọng gây khó khăn, rủi ro cho ngư dân khi đưa tàu vào bờ. Ông Nguyễn Văn Thuyết, ngư dân ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, nhiều năm nay, cửa biển Cửa Lấp bị bồi lấp nghiêm trọng. Hiện chỉ có những tàu có công suất dưới 90 CV mới có thể chật vật luồn lách vào, ra. Tàu lớn hơn phải đi đường vòng theo hướng cầu Cỏ May mới vào được cảng cá Phước Tỉnh, tốn thêm nhiều chi phí xăng dầu.

“Hiện nay, khu vực Cửa Lấp bị cát bồi lấp, luồng lạch ra vào cạn nên ghe thuyền của ngư dân không thể vào được cảng Phước Tỉnh, phải đi vòng qua TP. Vũng Tàu. 5 đội tàu của nhà tôi mỗi lần ra khơi phải chạy sang cảng Bến Đá, TP. Vũng Tàu lấy nguyên liệu, thực phẩm, tốn thêm 50 triệu đồng tiền dầu. Tới đây, Nhà nước khuyến khích đóng mới tàu vỏ thép, công suất lớn từ 400 CV trở lên, nếu không đầu tư nạo vét Cửa Lấp thì tàu lớn sao vào được?” – ngư dân Nguyễn Văn Bạn lo lắng.

Theo ông Trần Tý, vạn trưởng vạn ngư nghiệp xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, những năm qua, tình trạng bồi lấp cửa Bến Lội diễn biến phức tạp. Mặc dù đã được nạo vét, tuy nhiên tàu thuyền ra vào vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Việc vận chuyển hải sản đánh bắt về bờ vẫn gặp khó – Ảnh: Trần Thế Duyệt

“Tại cảng Bến Đá, khi tàu vào bờ, phải chờ đợi từ sáng đến chiều mới có chỗ trống ở cảng để bốc cá lên bờ bán. Nhiều lúc phải bốc cá gián tiếp qua tàu bạn cập sát cảng rất mất thời gian và tốn thêm chi phí nhân công. Riêng công đoạn đưa đá lạnh xuống tàu thì phải cho cập tàu sát cảng mới lấy được. Có hôm đúng con trăng, tàu vào nhiều, tàu giã cào và tàu câu mực cùng lấy đá thì phải nằm chờ ở cảng vài ngày mới đến lượt tàu mình”, ông Phạm Văn Trọng, ngư dân phường 2, TP. Vũng Tàu nói.

 

Phát triển đội tàu hậu cần

Để tiết kiệm nhiên liệu trong khai thác, thời gian gần đây, một số tàu cá ở Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển sang làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Những con tàu này liên kết với nhau hình thành đội tàu hậu cần có công suất lớn cùng theo ngư dân ra khơi xa. Các tàu dịch vụ sẽ thay phiên nhau ra vào bờ khoảng 10 – 12 chuyến/tháng để vận chuyển nhiên liệu, thức ăn, nước uống, nước đá, ngư lưới cụ cung ứng cho tàu đánh bắt cá dài ngày trên biển, đồng thời thu mua hải sản chuyển vào cung ứng cho các đại lý, chủ vựa cá ở các bến. Tới nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành được 54 tàu cá làm dịch vụ này, theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản. Ông Trương Văn Ri, chủ tàu cá ở phường 5 (TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Với giá xăng dầu như hiện nay, các tàu làm nghề lưới kéo cứ mỗi lần ra vào phải đi từng cặp, chi phí rất cao. Bây giờ, cứ độ hơn một tháng 3 – 4 cặp tàu hùn nhau thuê một tàu tải chở lương thực, nhu yếu phẩm ra và chở hải sản vào. Nhờ vậy, chúng tôi tiết kiệm được 50 – 70 triệu đồng tiền phí tổn cho mỗi chuyến biển”.

Khó khăn là đội tàu này vẫn chưa đáp ứng được việc chuyển hết lượng hải sản đánh bắt về bờ sớm nhất. Mỗi chuyến biển trung bình 25 – 35 ngày, thậm chí có khi kéo dài đến vài ba tháng, sản phẩm đánh bắt về bờ muộn vì thế giảm chất lượng.

“Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Sông Dinh đang tiến hành đầu tư xây dựng giai đoạn 1; Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Cửa Lấp là dự án cấp vùng đã được tỉnh phê duyệt; Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Lộc An đang thẩm định để trình UBND tỉnh; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Bến Lội – Bình Châu hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào sử dụng và đang tiến hành thi công giai đoạn 2. Dự án cấp vùng là Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Côn Đảo được Bộ NN&PTNT phê duyệt, đang triển khai thi công các hạng mục” – Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết.

>> Theo quy hoạch, trong thời gian tới, đóng những tàu công suất lớn, tàu sắt dài hàng chục mét để đánh bắt xa bờ thì trước mắt các cơ quan quản lý nhà nước cần nạo vét luồng, cửa, khu tránh trú bão cho tàu thuyền neo đậu.

Đỗ Thị Hương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!