Bà Rịa – Vũng Tàu: Người nuôi cá lồng bè giảm quy mô

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Do ảnh hưởng của thời tiết cũng như môi trường nuôi, sản lượng cũng như chất lượng thủy sản giảm khiến người nuôi thiệt hại nặng nề, nông dân nuôi cá lồng bè ở Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ nuôi cầm chừng, có hộ bỏ nghề hoặc chuyển sang nuôi loài khác.

Khu vực sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) có hơn 370 hộ nuôi thủy sản lồng bè. Khác với những năm trước, do ảnh hưởng thời tiết cũng như môi trường nuôi, sản lượng cũng như chất lượng thủy sản giảm khiến người nuôi thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng, có hộ bỏ nghề hoặc chuyển sang nuôi hàu sữa Thái Bình Dương. Theo người nuôi, nguyên nhân là những năm gần đây, nguồn nước bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố khách quan khiến cá nuôi khó lớn, tỷ lệ hao hụt cao vì bị chết nhiều. Bên cạnh đó, từ đợt đại dịch COVID-19 tới nay, thị trường thiếu ổn định. Trong khi đó, các chi phí nuôi ngày càng tăng, đặc biệt là giá thức ăn, khiến gia đình bà đối mặt với nguy cơ thua lỗ.  

Ảnh: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Tại khu vực sông Mỏ Nhát, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ người nuôi cá lồng bè cũng đang dần chuyển sang nuôi hàu sữa Thái Bình Dương để tránh rủi ro. Theo người nuôi, hiện giá cá chim, cá chẽm, cá bớp đang dao động từ 130.000 – 240.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn mọi năm khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi cá đều không mặn mà tăng lồng dù dự báo dịp cuối năm giá cá sẽ còn tăng cao. Nguyên nhân là do giá thức ăn cũng tăng cao hơn so với mọi năm nên nuôi không có lãi. Thời tiết cũng thay đổi nên nuôi cá khó, chết nhiều. So với nuôi cá, nuôi hàu dễ hơn, lại không mất nhiều vốn.

Hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng 570 hộ nuôi cá lồng bè tại 3 khu vực là sông Dinh, sông Chà Và và sông Mỏ Nhát. Sản lượng hàng năm khoảng 2.000 – 3.000 tấn cá các loại và gần 15.000 tấn hàu.

Để hạn chế tối đa rủi ro cho người dân, Chi cục Thủy sản tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản nói chung và nghề nuôi cá lồng bè trên sông nói riêng.

Đối với nghề nuôi trồng thủy sản trên sông, hiện Chi cục đã tiến hành lắp đặt phao cắm mốc nhận dạng vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè, nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông (khu vực mở rộng). Đồng thời, phối hợp với các địa phương hoàn thành xong việc di dời, cưỡng chế giải tỏa 273 cơ sở bè nuôi trồng thủy sản, chòi tạm nằm ngoài vùng quy hoạch.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng thường xuyên lấy mẫu nước quan trắc và quản lý môi trường vùng nuôi trồng thủy sản để kiểm soát môi trường nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) và cam kết bảo đảm ATTP theo quy định, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi sản xuất…

Bên cạnh công tác chuyên môn, Chi cục Thủy sản cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi cần nâng cao ý thức trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường tại khu vực nuôi, từ việc thu gom rác thải, chất thải và động vật thủy sản chết vào đúng nơi quy định, từng bước giảm dần và không sử dụng các loại vật liệu phục vụ nuôi thủy sản như: vỏ xe cũ, tôn xi măng… 

Người nuôi cần thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin về giá cả thủy sản cũng như kết quả quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng để chủ động trong hoạt động sản xuất theo đúng khung lịch mùa vụ hàng năm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hương Trà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!