Là một trong các địa phương có bờ biển dài, Bà Rịa – Vũng Tàu có thể khai thác và sử dụng một cách hiệu quả, bền vững nguồn tiềm năng vô cùng to lớn đó là năng lượng gió.
Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, nguồn lợi to lớn này hiện chưa được quan tâm và phát triển đúng mức. Trong khi điều kiện kinh tế của người dân nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thì việc một ngư dân mạnh dạn bỏ tiền để thí điểm đầu tư hệ thống điện gió phục vụ cho bè cá của gia đình và bước đầu mang lại hiệu quả đã làm một bước đột phá trong quá trình lao động sản xuất, một mô hình rất cần nhân rộng.
Trong một lần ghé ngang bè cá của anh Trịnh Kỳ Hòa, một ngư dân nuôi thủy sản lồng bè kỳ cựu trên sông Chà Và, xã Long sơn, thấy trên bè có trang bị ti vi và quạt điện, chúng tôi tò mò hỏi việc sử dụng nguồn điện nào để phục vụ sinh hoạt trên bè cá trong khi máy phát điện của gia đình vẫn nằm im nơi góc bè. Anh cho biết, gia đình vừa mới trang bị giàn “điện gió”, theo cách gọi của người dân nơi đây về hệ thống điện sử dụng năng lượng gió với giá 38 triệu đồng, tiếp đó anh dắt chúng tôi đi tham quan “hệ thống” điện gió của mình, nói là hệ thống cho sang, chứ thật ra chúng được thiết kế và lắp ráp khá đơn giản, trên nóc nhà bè là dàn cánh quạt với 3 sải cánh dài khoảng 0,7 m bắt nối vào trục của Tuốc bin quay liên tục tạo ra dòng điện, điện được hệ thống dây dẫn đến cục iot nắn dòng, sau đó nạp vào 2 bình ắc quy lớn, tại đây điện được nạp liên tục, và thường là luôn đầy bình. Để sử dụng các loại đồ điện gia dụng trên bè như ti vi, quạt thì cần phải có cục nắn dòng để chuyển đổi từ điện 1 chiều sang dòng điện 2 chiều 220V. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hệ thống trên đã cung cấp cho bè cá anh Hòa sử dụng 4 bóng đèn bảo vệ sáng suốt đêm, 1 hệ thống bơm ôxy cho cá giống, 1 ti vi và 2 quạt phục vụ cho cả gia đình.
Theo tính toán của các ngư dân nuôi thủy sản tại đây thì trung bình, mỗi bè phải bỏ ra bình quân từ 50 – 60 lít dầu DO/tháng cho việc chạy máy phát điện phục vụ sinh hoạt và bảo vệ bè cá, và người dân cũng chỉ dám sử dụng đến 9 – 10 giờ đêm là tắt máy vì sự tốn kém của nó. Việc sử dụng máy phát điện cũng chính là nguyên nhân gây tiếng ồn lớn, gây phát thải khí độc hại vào môi trường, thải lượng dầu nhớt cặn bã, làm tăng thêm phần ô nhiễm cho các dòng sông.
Anh Hòa cho biết, hệ thống điện gió của gia đình do cơ sở điện của anh Nguyễn Văn Sơn, có địa chỉ tại đường Bình Giã, thành phố Vũng Tàu lắp ráp. Qua trao đổi, anh Sơn, chủ cửa hàng giới thiệu và cho biết, cơ sở của anh nhận thiết kế và lắp ráp hệ thống điện gió theo yêu cầu trên toàn tỉnh, hệ thống sau khi đưa vào vận hành khai thác sẽ được phía cơ sở hành miễn phí 5 năm đối với các loại linh kiện chính. Sau gần 5 tháng đưa vào sử dụng, hệ thống hoạt động trơn tru, cung cấp nguồn điện rất ổn định phục vụ sinh hoạt cho cả gia đình, anh Hòa chia sẻ. Tuy nhiên, qua quá trình vần hành, hệ thống vẫn có một số nhược điểm cần khắc phục như gây ồn không đáng kể và rung lắc nhẹ trong khi vận hành, anh Hòa cho biết thêm.
Việc mạnh dạn thí điểm ứng dụng và khai thác nguồn điện gió tại làng bè đã đem lại hiệu quả về kinh tế, phục vụ tốt hơn cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà con sống đời lênh đênh sông nước, bà con có thêm kênh vui chơi giải trí sau ngày lao động mệt nhọc, được giao lưu học hỏi về nuôi trồng, phòng chống bệnh dịch, gìn giữ môi trường cho vùng nuôi của mình. Tuy nhiên, để khai thác nguồn năng lượng gió vô tận phục vụ cho dân sinh hiệu quả, thì rất cần có sự quan tâm từ các chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền, từ các đầu tư nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn nhằm hỗ trợ cho người dân trong việc ứng dụng rộng rãi, giảm chi phí giá thành cũng như khắc phục các hạn chế rung lắc, để từ đó khai thác hiệu quả nguồn năng lượng gió ở Việt Nam, một Quốc gia ven biển lúc nào cũng tràn đầy và dư thừa gió.