Loài cá ngoại lai được du nhập vào Việt Nam với mục đích phục vụ cho thú chơi cá cảnh (vệ sinh bể cá) nhưng không biết bằng cách nào cá dọn bể lại bị xổng ra môi trường tự nhiên rồi phát triển tràn lan, khó để kiểm soát.
Một người làm nghề chài lưới tên Yến (SN 1957) có hơn 30 năm gắn bó với sông Thương cho biết, trước đây quãng sông này nhiều tôm, cá, còn hiện giờ cứ thưa vắng dần, oái oăm thay hễ cứ thả lưới xuống sông là bị vướng rất nhiều cá dọn bể. “Không biết ở đâu ra lắm lũ cá này thế, dù thả lưới vương, lưới bát quái, quăng chài, thả rọ hay đi câu thì đều chạm mặt nó, nhiều hôm phải bắt cả chục ký mà phát ngán”, ông Yến than thở.
Người dân thả lưới xuống sông là bị vướng rất nhiều cá dọn bể
Không chỉ trên sông, ngòi, cá dọn bể đã xâm nhập vào các ao, hồ và sinh sôi rất nhanh. Anh Vũ Minh Hồng, làm nghề chài lưới lâu năm trên sông Thương kể: Bình thường khi được nuôi trong bể, cá dọn bể có kích thước và trọng lượng rất khiêm tốn nhưng khi xổng ra môi trường tự nhiên lại lớn bất thường, có con nặng vài ký.
Được biết, cá dọn bể hay còn gọi cá lau kính có nguồn gốc từ Nam Mỹ, chúng là loài ăn tạp, thích nghi rộng, cơ thể nhiều xương, vây cực sắc nhọn. Ở môi trường tự nhiên, chúng không chỉ tranh cướp thức ăn mà còn có thể hút nhớt (chất nhầy) trên mình của các loài cá khác. Bên cạnh đó, cá dọn bể cũng sinh sản rất nhanh. Câu hỏi đặt ra, liệu có phải do cá dọn bể lây lan chóng mặt nên thời gian gần đây các sông ngòi, ao hồ thưa vắng dần cá bản địa?