(TSVN) – Điển hình tại hộ anh Phạm Văn Dũng ở thôn Chùa, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng. Anh Dũng nuôi cá theo mô hình “sông trong ao” bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường.
Từ hình thức nuôi cá này, năm 2019, anh Dũng thu hoạch hơn 80 tấn cá qua hai vụ, trừ chi phí thu lãi gần 700 triệu đồng, cao hơn khoảng ba lần so với nuôi thông thường.
Năm 2018, trên diện tích rộng khoảng 3 ha, anh Dũng đổ bờ ao kiên cố bằng bê tông, vị trí trung tâm bố trí hai bể nuôi cá có kích thước chiều dài, chiều rộng, chiều sâu là 25x5x2 m. Ngăn cách bên ngoài hai bể nuôi là dòng nước chảy lưu thông theo hình tròn. Cách bố trí này là điểm khác biệt lớn so với ao nuôi truyền thống. Theo đó, mỗi bể nuôi cá có đáy thảm bê tông cứng, máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy…
Các máy này liên tục hoạt động 24/7 tạo thành trục sông có tường bê tông ngăn nước. Trong sông có sóng và dòng chảy tuần hoàn, nước luân chuyển khắp ao bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Những chiếc máy bơm tạo dòng chảy tuần hoàn giúp cá trong bể hình thành thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục.
Bên cạnh đó, ở mỗi bể nuôi, anh Dũng còn thiết kế một hệ thống cho ăn cá tự động. Toàn bộ chất thải của cá theo dòng nước chảy trong bể và đọng lại ở bể tĩnh phía sau. Tại đây, một hệ thống hút chất thải sẽ thu gom và loại những chất thải sang một bể chứa. Nhờ vậy, môi trường nước ao nuôi luôn trong sạch, cá sinh trưởng nhanh và ổn định.
Anh Dũng cho biết: Ưu điểm của mô hình là nuôi được cá với mật độ cao hơn nhiều so với phương pháp truyền thống; tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh. Ngoài ra, chu kỳ chăn nuôi ngắn, sản phẩm luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sau thu hoạch cá cho phép thả con giống mới ngay mà không cần phải xử lý đáy ao… Bên cạnh đó, nuôi cá theo cách này, nước bể nuôi luôn sạch, thịt cá chắc, dai và không có mùi tanh nên được người dân ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi… Tuy nhiên, để thực hiện mô hình, kinh phí đầu tư khá lớn với mức từ 200 – 250 triệu đồng/bể nuôi…