Để giải quyết triệt để tình trạng này, vẫn phải phụ thuộc khâu điều tiết nước và nạo vét kênh thủy nông nội đồng; mặt khác, người nuôi tôm phải thường xuyên theo dõi thời tiết qua phương tiện thông tin đại chúng và nghe khuyến cáo của ngành chức năng.
Khát ở vùng mặn ngọt
Tại xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, nông dân đang lo đau đáu. Nắng nóng làm khô kênh nội đồng và cấp 3; nông dân đành đắp đập bơm chuyền vét cạn các dòng kênh để cứu hơn 100 ha lúa đông xuân ở đây. Thiệt hại khó tránh khỏi. Ông Phạm Văn Hai (ấp Ninh Thuận, xã Ninh Quới A) cho biết: Lúa thì có thể cứu được nhưng chỉ thu được một phần. Nước cạn quá nên khi bơm lên ruộng gặp phèn trong đất tích tụ sẵn, lại thêm nắng nóng làm cho cây lúa nhiễm phèn nặng và kết quả là khô cây. Không ít người làm 15 công bị khô cây gần 4 công. Lo nhất là thu hoạch lúa rồi không có thương lái để bán, vì ghe không vào được.
Trong khi cây lúa đang khát nước thì gần 4.000 ha nuôi tôm ở huyện Hồng Dân cũng phải xuống giống trễ. Ông Danh Dậu (ấp Đầu sấu Tây, xã Vĩnh Lộc) cho biết: Ở đây còn nhiều hộ đang cải tạo ao đầm, chờ con nước lên đủ mới thả nuôi. Cũng nhiều hộ thả trước nhưng tôm không tốt, vì năm nay nắng nóng quá, nước sông thấp hơn năm trước, độ mặn cũng cao hơn. Nếu thả tôm trễ như hiện nay thì cả năm chỉ được 2 vụ tôm thay vì 3 vụ như trước.
Tôm, lúa đều “khát” nước – Ảnh: Thanh Cường
Ở huyện Phước Long, Trạm KN – KN huyện cho biết: Nắng nóng làm cho độ mặn nước sông tăng cao; độ mặn ở trục kênh Ngã tư Chủ Chí 25‰, Phó Sinh 24‰, Xã Thoàn 24‰…). Đồng thời, mực nước ở các tuyến kênh thấp, chưa đáp ứng nhu cầu nguồn nước bơm vào ao nuôi phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Trong khi vùng bắc quốc lộ 1A thiếu nước nuôi tôm thì các huyện còn lại của vùng nuôi tôm công nghiệp (TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải) nắng nóng đang ảnh hưởng đến tôm nuôi đầu vụ.
Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, toàn tỉnh có gần 2.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn; trong đó nhiều nhất ở các xã Vĩnh Trạch Đông, Vĩnh Trạch, Hiệp Thành (TP Bạc Liêu), Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Thiệt hại chủ yếu do nắng hạn gay gắt những ngày gần đây khiến độ mặn tăng cao, nước trong vuông tôm bị cạn; một phần do tôm giống kém chất lượng.
Chủ động nước sản xuất
Ngành chức năng các huyện, thành phố đang tổ chức nạo vét kênh thủy nông nội đồng để giải quyết tình trạng thiếu nước cho tôm và lúa. Điển hình, huyện Phước Long đã nạo vét 64 tuyến kênh nội đồng và 10 kênh cấp 3. Huyện Hồng Dân, Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Nguồn nước phục vụ sản xuất lúa đông xuân cơ bản đã được đảm bảo. Với con tôm, nếu thời tiết ổn định sẽ thả nuôi. Các xã ven biển đang tập trung cải tạo, hoàn thiện ao đầm và trông chừng thời tiết. Ngoài đảm bảo đủ nước cho thả tôm, ngành nông nghiệp tỉnh còn tổ chức hơn 50 lớp tập huấn cho nông dân chủ động phòng chống dịch bệnh và trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi tôm: không thả nuôi lúc này; không thải nước ô nhiễm ra kênh nội đồng; cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức lực lượng hướng dẫn cải tạo, xử lý, khắc phục vuông tôm bị thiệt hại; tuyên truyền cho người nuôi nắm được diễn biến thời tiết năm nay, nắng nóng có thể kéo dài.