Việc thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển trước hết xuất phát từ nhu cầu thực tế địa phương, vì lợi ích ngư dân; gắn lợi ích ngư dân với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ an ninh trật tự trên biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Nhiều kinh nghiệm quý
Khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được hình thành từ trước năm 2000.
Tuy nhiên, do chưa có quy chế hoạt động nên hiệu quả chưa cao; việc tổ chức sản xuất trên biển như: vận chuyển tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm… để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trên từng chuyến biển còn nhiều hạn chế. Các tổ, đội hoạt động chưa đúng hợp đồng, quy ước, quy chế chung. Việc thành lập các tổ, đội khai thác trên biển theo nghề hay ngư trường còn hạn chế do ngư dân luôn có tư tưởng giấu ngư trường, không khai báo tọa độ với cơ quan chức năng…, gây khó trong việc thông báo tình hình thời tiết, phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Mô hình tổ, đội trên biển giúp khai thác hiệu quả hơn – Ảnh: Phan Thanh Cường
Bên cạnh đó, các tổ, đội sản xuất trên biển chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản; Tổ, đội khai thác hải sản gặp khó khăn về vốn đầu tư nên không có điều kiện cải hoán tàu thuyền, đầu tư nghề mới, sắm trang thiết bị, ra khơi tìm ngư trường mới….
Hàng loạt giải pháp mới
Thường xuyên tổ chức tổng kết, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương; khen thưởng kịp thời các cá nhân xuất sắc, các tổ đội hoạt động hiệu quả; nhân rộng mô hình tổ đội tiên tiến. Tăng cường tuyên truyền để ngư dân thấy được lợi ích của việc tổ chức khai thác hải sản theo tổ đội nhằm phát triển mạnh các tổ, đội khai thác, nhất là các tổ đội khai thác xa bờ, kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển. Phổ biến kinh nghiệm tổ chức mô hình tổ, đội; chọn các mô hình hiệu quả để nhân rộng. Tổ chức tập huấn cho thuyền trưởng các tổ, đội, về luật pháp quốc tế và Việt Nam liên quan khai thác hải sản, kiến thức phòng tránh bão, thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn, an toàn cho người và tàu cá; kỹ thuật tự vệ khi có cướp biển, tàu nước ngoài tấn công.
Cùng đó, có chính sách hỗ trợ sản xuất khi ngư dân tham gia tổ đội (như: trang bị phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá, máy dò cá, đặc biệt là chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất). Xây dựng mô hình tổ, đội và nhà máy chế biến liên kết với nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng nậu, vựa ép giá. Đầu tư xây dựng chợ đầu mối buôn bán theo hình thức đấu giá, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Có chính sách đào tạo thuyền viên, nhằm đảm bảo chất lượng lao động đi biển. Khen thưởng kịp thời các cá nhân và tổ đội đạt thành tích trong cứu nạn, hỗ trợ đánh bắt trên biển, các mô hình tổ đội tiên tiến trong sản xuất.
>> Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 45 tổ khai thác hải sản, với 250 tàu, trên 1.500 lao động; nghề lưới kéo: 18 tổ (công suất từ 90 CV trở lên); nghề lưới rê: 27 tổ (22 tổ có công suất từ 90 CV trở lên). Trong đó: huyện Đông Hải: 25 tổ (150 tàu); thành phố Bạc Liêu: 13 tổ (51 tàu); huyện Giá Rai: 5 tổ (27 tàu); huyện Hoà Bình: 1 tổ (14 tàu); huyện Vĩnh Lợi: 1 tổ (8 tàu). |
Phan Ngọc Hồng Tiên
Chi cục KT&BVNL TS Bạc Liêu