Bắc Ninh đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường cho năng suất, sản lượng vượt trội là mục tiêu tỉnh Bắc Ninh đang hướng tới.

Năm 2022, sản lượng thủy sản của Bắc Ninh đạt hơn 40.500 tấn, hình thành 162 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung, 22 vùng nuôi cá lồng trên sông, 153 cơ sở nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bắc Ninh có 162 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung quy mô từ 10 ha trở lên với tổng diện tích là 2.757,6 ha; 153 cơ sở đăng ký và được cấp chứng nhận VietGAP gắn truy xuất nguồn gốc; 20 vùng nuôi cá lồng trên sông; hình thành 9 mô hình nuôi cá sông trong ao, nhiều mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh, mô hình nuôi cá siêu thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi cá tầm ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Ảnh: ST

Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản Bắc Ninh, hiện nay người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh áp dụng phổ biến hai mô hình nuôi cá công nghệ cao là: nuôi cá trong ao đất và nuôi cá lồng trên sông. Hiện tại, nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao đất tại Bắc Ninh đã cho sản lượng lên tới 15 – 20 tấn/ha. Ưu điểm của những mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao là phân cá được thu gom về một góc và hút đi, đồng thời lượng ôxy được cung cấp đầy đủ liên tục nên cá lớn rất nhanh, khỏe mạnh, môi trường nước cũng vì thế hạn chế tối đa bị ô nhiễm môi trường nuôi.

Mục tiêu trong nuôi trồng thủy sản của Bắc Ninh là phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi cá đạt 4.800 ha, sản lượng thủy sản đạt 42.000 tấn, tốc độ tăng trưởng đạt 1,2%/năm trở lên; đến năm 2030, cơ cấu sản xuất thủy sản chiếm từ 14 – 15% toàn ngành; giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 300 triệu đồng/ha mặt nước. Đến năm 2045, ổn định diện tích sản xuất thủy sản ao đất khoảng 4.300 ha; có hơn 80% diện tích nuôi thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất. 

Để đạt các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Bắc Ninh sẽ chủ động, tích cực hợp tác, phối hợp với Viện Nghiên cứu, các trung tâm giống thủy sản quốc gia để chuyển giao, áp dụng công nghệ sản xuất giống, phòng trị bệnh, dịch vụ thú y, hỗ trợ nghiên cứu thị trường cho ngành thủy sản. Bên cạnh đó, tăng cường các lớp tập huấn, phổ biến chính sách hỗ trợ người dân, triển khai xây dựng công trình hạ tầng, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát môi trường, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất trang trại, gia trại áp dụng công nghệ cao, hình thành các hợp tác xã, các chi hội nghề cá, nhóm hộ cùng sở thích, từ đó xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết tổ chức sản xuất thủy sản theo chuỗi nhằm phát triển bền vững.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!