Bài học từ ngành tôm Thái Lan

Chưa có đánh giá về bài viết

Thái Lan có bờ biển dài, điều kiện khí hậu và môi trường tương tự Việt Nam. Tuy nhiên, ngành nuôi tôm nước này đã phát triển và luôn đi trước Việt Nam cả về kỹ thuật, sản lượng và chất lượng. Ngành tôm Việt Nam đi sau nhưng đã học được gì?

Chính sách phù hợp

Thái Lan bắt đầu nuôi tôm từ những năm 1970, nhưng đến đầu những năm 1990 đã dẫn đầu thế giới về sản lượng tôm sú. Thời kỳ 1985 – 1995, số lượng trang trại nuôi tôm ở Thái Lan tăng nhanh, từ 4.544 trại nuôi (năm 1985) lên 15.060 (năm 1990) và 25.210 (năm 1995); đối tượng nuôi chủ yếu tôm sú.

Sau thời gian dài tăng trưởng nhanh cả sản lượng và năng suất, đến năm 1994, sản lượng tôm nuôi của Thái Lan bắt đầu giảm, do môi trường khu nuôi bị suy thoái, chất thải từ khu nuôi không được kiểm soát, dịch bệnh lan tràn… Từ đó, Thái Lan phải đầu tư nghiên cứu tìm ra các giải pháp về chính sách, quy hoạch, công nghệ để khôi phục và phát triển ổn định nghề nuôi tôm.

Sau nhiều nỗ lực, đến năm 1999, sản lượng nuôi tôm của Thái Lan được khôi phục. Tuy nhiên, sang năm 2000, sản lượng tôm nuôi của nước này tiếp tục giảm và khó phục hồi. Nguyên nhân được xác định do Hội chứng chậm lớn trên tôm sú nuôi (MSGS). Trước tình hình này, Thái Lan bắt đầu tìm kiếm đối tượng nuôi mới, với phương châm không quá chú trọng tôm kích thước lớn mà tập trung nuôi ít rủi ro; trong đó nuôi dày, ngắn ngày với kích thước khoảng 100 con/kg, nhằm giảm chi phí nhưng vẫn đem lại lợi nhuận cao.

Năm 2001, Thái Lan bắt đầu thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT). Với đặc tính thời gian nuôi ngắn, khả năng chống chịu tốt điều kiện môi trường nuôi, hệ số chuyển đổi thức ăn cao và đặc biệt cho năng suất cao…, TTCT đã dần thay thế tôm sú. Năm 2002, sản lượng TTCT đã đạt 20.000 tấn và đến năm 2006 là 400.000 tấn. Hiện, năng suất TTCT nuôi ở Thái Lan đã 20 – 30 tấn/ha/vụ nuôi và lợi nhuận từ nuôi TTCT cũng tăng 2 – 3 lần so với tôm sú.

Như vậy, bằng các chính sách phù hợp (như: không quá chú trọng tăng diện tích nuôi, chủ yếu tập trung phát triển con giống sạch bệnh, quản lý môi trường nuôi tốt, tái sử dụng nguồn nước, xử lý bùn thải phát sinh trong khi nuôi, thay đổi đối tượng nuôi từ tôm sú sang TTCT…), ngành tôm Thái Lan đã có cuộc cách mạng lớn, không chỉ nhằm đảm bảo nghề nuôi tôm phát triển ổn định mà còn làm cho sản lượng tôm tăng không ngừng.

 

Quản lý theo chuỗi

Thái Lan là nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới nhưng ít khi phải đối diện rào cản chất cấm tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…, bởi chất lượng tôm ổn định nhờ chủ động áp dụng chính sách quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tôm nuôi theo chuỗi sản xuất từ nhiều năm qua.

Bên cạnh các nội dung tiêu chuẩn kỹ thuật cốt lõi như GAP, CoC, GMP và HACCP, Thái Lan còn tập trung triển khai 5 chương trình kiểm soát hiệu quả và hỗ trợ nhau theo cách tiếp cận của an toàn thực phẩm, từ trại nuôi tới sản phẩm xuất khẩu; đó là các chương trình kiểm soát dư lượng chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát thức ăn thủy sản, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra điều kiện sản xuất nhà máy chế biến thủy sản, giám sát thẩm tra sản phẩm và hệ thống chứng nhận điện tử.

Chương trình kiểm soát dư lượng chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản được xây dựng theo tiêu chuẩn EU, nhằm loại bỏ việc sử dụng hóa chất và kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản. Chương trình truy xuất nguồn gốc từ trại nuôi tới nhà máy chế biến thông qua hồ sơ vận chuyển. Việc vận chuyển tôm giống từ trại giống đến vùng nuôi và vận chuyển tôm nguyên liệu từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến phải ghi rõ thông tin thời gian, địa điểm, mã số… trong hồ sơ vận chuyển. Chương trình kiểm tra điều kiện sản xuất nhà máy chế biến thủy sản yêu cầu các nhà máy áp dụng GMP/HACCP. Tiến hành thanh tra toàn diện quy trình chế biến của nhà máy ít nhất 2 lần/năm. Sử dụng hồ sơ vận chuyển cho việc truy xuất nguồn gốc tại nhà máy chế biến.

Ngoài ra, Chương trình giám sát thẩm tra sản phẩm được căn cứ trên mức độ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà máy để xác định tần suất lấy mẫu kiểm tra sản phẩm. Đối với doanh nghiệp loại 1, cứ 3 tháng lấy mẫu 1 lần; với doanh nghiệp loại 2, cứ 2 tháng lấy mẫu 1 lần. Hệ thống chứng nhận điện tử được kết nối giữa các cơ quan quản lý/phòng kiểm nghiệm vùng hoặc trung tâm thông qua VPN (Mạng riêng ảo – Virtual Private Network). Có thể yêu cầu cấp chứng thư vệ sinh trực tuyến qua hệ thống duy nhất.

>> Ngành nuôi tôm Thái Lan hiện nay được công nhận là đứng đầu thế giới, về mọi khía cạnh (dây chuyền cung ứng, sản xuất, kiến thức kỹ thuật, cải tiến, sản lượng…).

Hạnh Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!