Từ vụ tràn dầu ở biển Quy Nhơn, có một câu hỏi mà nhiều người cùng đề cập, đó là làm gì để ngăn ngừa những vụ tràn dầu tương tự có thể xảy ra ở vùng biển miền Trung?
Cho đến lúc này, nhiều người vẫn tiếp tục dõi theo những diễn biến của vụ tràn dầu được xem là để lại hậu quả nặng nề nhất từ nhiều năm nay tại vùng biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Thông tin mới nhất từ các cơ quan chức năng tỉnh này, những ngày qua đã không còn hiện tượng dầu loang trên biển. Ô nhiễm môi trường biển về cơ bản đã được kiểm soát nhưng những hậu quả từ vụ tràn dầu thì có lẽ phải mất nhiều thời gian mới khắc phục được.
Vùng biển Quy Nhơn bị ô nhiễm nặng do dầu loang. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Ngày 19/7, người dân Quy Nhơn và du khách đã có thể hòa mình trong sóng biển ngay ở khu vực mà hơn 10 ngày trước đậm đặc dầu loang. Và tại những lồng nuôi thủy sản trên biển Quy Nhơn, hiện tượng cá chết hàng loạt cũng đã được khống chế.
Ông Nguyễn Văn Tình – một cư dân của thành phố cho biết: “Bây giờ hết rồi chứ mấy hôm trước, bước chân xuống biển là dầu nhớt đầy, không ai dám tắm. Còn bây giờ, chúng tôi dám tắm rồi”.
100 tấn cát nhiễm dầu đã được thu gom suốt từ 8/7 – 12/7. Cách làm thủ công này được xem là biện pháp duy nhất để có thể giảm bớt mức độ ô nhiễm mà theo dự báo là khá nặng nề khi mặt nước biển bị ảnh hưởng sự cố tràn dầu lên đến 4 ha.
Cả chính quyền và người dân địa phương đã vào cuộc, ráo riết khắc phục sự cố tràn dầu, song thiệt hại là không nhỏ. Theo ông Đặng Trung Thành – PGĐ Sở Tài nguyên & Môi trường Tỉnh Bình Định thì hơn 700 lồng nuôi thủy sản bị thiệt hại với số tiền lên đến 2 tỷ đồng. Nhưng, hậu quả môi trường biển thì chưa ai có thể thống kê được. Khi phân tích, chỉ tiêu dầu mỡ khoáng khu vực nuôi trồng thủy sản khu vực Hải Minh, TP. Quy Nhơn dao động 0,05 mg/l- 0,08mg/l, do đó, không đảm bảo nuôi trồng thủy sản.
Dư luận đặc biệt quan tâm đến nguyên nhân gây ra vụ tràn dầu được xem là lớn nhất ở Bình Định từ nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, cho đến lúc này, mọi việc vẫn nằm trong giai đoạn xác minh, điều tra. Ngày 11/7, ngư dân đánh bắt thủy sản trên biển đã phát hiện một chiếc tàu số hiệu BĐ-0508H bị chìm ở vùng biển Nhơn Hải. Nguồn tin ban đầu cho thấy chiếc tài này chuyên chở buôn bán dầu thải trên biển.
Bởi vậy, một vấn đề lớn đặt ra là trên vùng biển Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định cũng như nhiều vùng biển khác ở miền Trung, tàu chở dầu không chỉ có 1- 2 chiếc. Việc chuyên chở dầu lâu nay có được kiểm soát các mối nguy tràn dầu hay không thì vẫn chưa có câu trả lời.
Ông Đặng Trung Thành đề xuất: “Trước hết phải tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường cho nhiều đối tượng từ doanh nghiệp đến người dân, nhất là các tàu của dân hay chở dầu. Địa bàn rộng, việc kiểm soát rất khó, cho nên người dân phải tham gia cùng các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn”.
Việt Nam nằm trên tuyến đường vận tải biển chính từ Trung Đông đến các nước Đông Á. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, kéo theo nhu cầu về dầu mỏ cũng tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố tràn dầu. Trong khi đó, vùng biển ven bờ Việt Nam hội đủ các điều kiện để phát triển các ngành kinh tế biển. Nếu không tính đến sự dung hòa trong phát triển các ngành kinh tế biển thì chắc chắn ngành kinh tế này sẽ ảnh hưởng đến ngành kinh tế khác. Cụ thể là hoạt động vận tải biển, một khi gây ra sự cố môi trường thì nuôi trồng thủy sản, du lịch sẽ gánh chịu hậu quả.
Bởi thế, các nhà khoa học cho rằng cần phải thực hiện cách quản lý tổng hợp đới bờ, phát triển hài hòa các ngành kinh tế biển dựa trên quy hoạch hợp lý, ngành kinh tế nào khai thác vùng biển nào. Đây sẽ là hướng để giảm bớt thiệt hại một khi xảy ra sự cố tràn dầu. Còn vấn đề cấp bách hơn là cách thức kiểm soát và ngăn ngừa không để xảy ra những vụ tràn dầu tương tự.