(TSVN) – Chiều 6/4, tại TP Nam Định, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nam Định, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức Diễn đàn trực tiếp và trực tuyến về phát triển nhuyễn thể bền vững. Mặc dù có rất nhiều tiềm năng, lợi thế mang lại hàng triệu USD từ xuất khẩu, nhưng vẫn còn đó rất nhiều nút thắt cần được tháo gỡ để giúp ngành nhuyễn thể của Việt Nam phát triển một cách bền vững.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại Diễn đàn, Việt Nam có 3.200 km bờ biển, 112 cửa sông, 660.000 ha bãi triều với 2.200 loài động vật thân mềm. Người dân có kinh nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm nhuyễn thể. Các đối tượng nuôi chủ yếu là ngao, nghêu, sò, hàu, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, trai… Năm 2021, cả nước có 632 cơ sở sản xuất, ương nuôi giống; sản lượng giống sản xuất và ương đạt gần 60 tỷ con; có 3 đơn vị chế biến nhuyễn thể xuất khẩu được trang bị công nghệ và thiết bị hiện đại, gồm: Công ty CP XNK Thủy sản Thanh Hóa, Công ty CP Thủy sản Bến Tre và Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam. Trong năm 2021, tổng sản lượng nhuyễn thể ước đạt trên 300.000 tấn, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã xuất sang trên 67 thị trường trên thế giới với kim ngạch đạt trên 125 triệu USD, tăng trên 20% so năm 2020. Đồng thời, nhiều địa phương, HTX, người dân đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nhiều đối tượng nhuyễn thể chủ lực, kết hợp chế biến trên trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, năm 2021 xuất khẩu nhuyễn thể đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so năm 2020. Trong cơ cấu xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ năm 2021, ngao (nghêu) là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% với gần 103 triệu USD, tăng 52% so năm 2020. Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể sang thị trường EU tăng mạnh 37% đạt 87 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu sản nghêu tăng 42% với giá trị 78 triệu USD.
Trong các sản phẩm của ngành nhuyễn thể thì mặt hàng ngao/nghêu là có nhiều dư địa phát triển nhất. Theo ghi nhận, năm 2021 có 20 địa phương trên cả nước có nuôi ngao trong đó lớn nhất là tỉnh Thanh Hóa (chiếm trên 30%), tiếp đến là Bến Tre, Nam Định. Quý I/2022, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của cả nước tăng 24%, đạt trên 30 triệu USD, trong đó riêng ngao gần 20 triệu USD, tăng 40% so cùng kỳ năm 2021. Dự báo thị trường xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới; trong đó xuất khẩu nhuyễn thể trong tháng 4/2022 dự kiến đạt trên 12 triệu USD, tăng 4% so cùng kỳ. Bên cạnh thị trường xuất khẩu, tiêu thụ nội địa cũng đóng góp vào sự phát triển của nghề nuôi nhuyễn thể. Trong tổng sản lượng nhuyễn thể nuôi tại Việt Nam khoảng 300.000 tấn thì tiêu thụ nội địa thông qua các kênh cảng cá, chợ truyền thống, siêu thị, nhà hàng… chiếm đến 250.000 tấn, gấp 5 lần sản lượng xuất khẩu.
Đem lại nhiều lợi nhuận, nhưng nghề nuôi nhuyễn thể, đặc biệt nuôi ngao, hàu, sò điệp… hiện đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao; nhiều nơi, nhiều vùng sản xuất sản phẩm không đảm bảo kích cỡ, tỷ lệ thịt/vỏ thấp do con giống có dấu hiệu thoái hóa nguồn gen, mật độ thả nuôi quá nhiều dẫn đến việc tiêu thụ gặp rất khó khăn. Bên cạnh đó, tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi về chất lượng ATTP. Đặc biệt hiện tượng ngao, hàu, tu hài chết hàng loạt trong những năm gần đây gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, cần bảo đảm kiểm soát chất lượng ATTP từ khâu sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến theo nguyên tắc phòng ngừa; cung cấp nguồn nguyên liệu an toàn cho chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Trên thực tế, các lô hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ xuất khẩu vẫn bị nước ngoài cảnh báo (thị trường EU: cảnh báo 3 lô nghêu hấp nhiễm Salmonella (năm 2021), thị trường Đài Loan cảnh báo hàu tươi ướp đá từ Vân Đồn – Quảng Ninh phát hiện Norovirus (năm 2020: 10 lô, năm 2021: 2 lô). Theo đó, Cục đề nghị cơ quan quản lý địa phương cần phổ biến cho người dân về Chương trình giám sát; tăng cường cấp giấy chứng nhận xuất xứ gắn với quảng bá xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường; triển khai Chương trình giám sát đầy đủ, đúng theo quy định hiện hành; phát triển các vùng nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và đa dạng sản phẩm; đồng thời cập nhật Chương trình quản lý chất lượng, chủ động có biện pháp tự kiểm soát đáp ứng yêu cầu thị trường; khuyến khích các tổ chức khoa học, các doanh nghiệp sản xuất cung ứng vật tư đầu vào, hình thành được chuỗi giá trị, các dịch vụ phụ trợ, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho các vùng nuôi tập trung…
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, việc phát triển ngành hàng nhuyễn thể có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản đã đề ra. Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá và bổ sung các điều kiện vùng nuôi cho phù hợp với tiêu chuẩn MSC. Tiếp tục duy trì và phát triển mô hình quản lý nghêu, ngao đạt chứng nhận theo chuẩn MSC tại các vùng nuôi. Hình thành chi hội chế biến xuất khẩu nghêu, ngao, thống nhất từ khâu nuôi đến chế biến xuất khẩu để tạo ra mặt hàng có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm. Tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC…).
Nhấn mạnh về vai trò nguồn giống trong phát triển ngành hàng nhuyễn thể Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, giống nhuyễn thể là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng. Các cơ sở nghiên cứu đã có kết quả nghiên cứu, nhưng vấn đề chuyển giao những kết quả ra thực tế cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ. Giống gắn với quan trắc môi trường về quy trình nuôi để đảm bảo tỷ lệ nuôi sống cao, đảm bảo được chất lượng là yếu tố rất quan trọng để có vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn dịch bệnh, không còn tình trạng những lô hàng bị trả lại vì không đảm bảo yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
An Chi