T2, 06/07/2020 09:52

Báo cáo thị trường cá hồi tháng 5

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2010, Na Uy là nhà cung cấp hàng đầu ở cả mặt hàng cá hồi Đại Tây Dương fillet tươi và đông lạnh, lần lượt là 41% và 44% thị phần tương ứng. Chilê ở vị trí thứ hai trên với 39% thị phần trên thị trường cá hồi fillet tươi và thứ ba với 17% thị phần cá hồi fillet đông lạnh, đứng sau Trung Quốc 25%.

Sản lượng cá hồi Đại Tây Dương năm 2010 tại Chilê

Sản lượng cá hồi Đại Tây Dương tại Chilê trong năm 2010 đã sụt giảm gần một nửa so với mức sản lượng ghi nhận trong năm 2009. Những con số về sản lượng thu hoạch cho thấy, tính đến tháng 11/2010, có sự giảm sút 54% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2009. Một xu hướng tương tự cũng được ghi nhận đối với cá hồi coho, giảm 51% tính đến tháng 11 và cá hồi trout là 21%. Cá hồi trout đang dần tiến đến vị trí dẫn đầu về sản lượng sau khi virus ISA tấn công lan rộng ở cá hồi Đại Tây Dương và hiện chiếm đến gần 40% tổng sản lượng cá hồi. Theo số liệu ước tính, năm 2010, tổng sản lượng cá hồi trout và cá hồi salmon đạt khoảng 287.500 tấn, giảm 22% so với tổng sản lượng năm 2009.

 

Cá hồi Đại Tây Dương – một trong những mặt hàng được tiêu thụ mạnh ở thị trường châu Âu

Biến động cầu không phải là vấn đề lớn với cá hồi Chilê

Mặc dù giá cao hơn, nhưng nhu cầu cho các sản phẩm cá hồi Chilê dường như vẫn không hề suy giảm. Đầu năm 2011, mức tiêu thụ các sản phẩm thủy hải sản của người Nhật có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, thảm họa động đất – sóng thần đã có những tác động ảnh hưởng lên nhu cầu tại thị trường này. Ngược lại, khu vực Mỹ Latinh và các nước đang phát triển khác lại đang dần tiến lên vị trí nhà nhập khẩu dẫn đầu thị trường. Điều này cho thấy trong thời kỳ trung hạn, khi nền sản xuất phục hồi, áp lực lên giá cá hồi có thể mạnh hơn, do ngành sản xuất cá hồi Chilê sẽ phải duy trì nguồn cung cho thị trường.

 

Nhập khẩu cá hồi vào Mỹ giảm

Tổng kim ngạch nhập khẩu cá hồi tại Mỹ năm 2010 giảm 3% về khối lượng, xuống mức 234.000 tấn, nhưng lại tăng 12% về giá trị, đạt 1,822 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương chiếm 75% lượng nhập khẩu, 78% về giá trị nhập khẩu, với 176.400 tấn, tương đương 1,439 triệu USD. Giá nhập khẩu trung bình cá hồi Đại Tây Dương tăng 14% so với năm 2009.

Thị trường cá hồi Đại Tây Dương tại Mỹ bị chi phối bởi 3 nhà cung cấp chính là Canada, Na Uy và Chilê, tuy nhiên, mỗi quốc gia lại tập trung vào thị trường ngách khác nhau. Canada chiếm khoảng 44% tổng giá trị nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương của Mỹ, chủ yếu cung cấp cá hồi nguyên con tươi sống, chiếm 91% tổng doanh thu sang thị trường này. Na Uy đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 20% về khối lượng, tập trung ở phân khúc sản phẩm fillet, 66% kim ngạch xuất khẩu cá hồi fillet đông lạnh và 33% kim ngạch xuất khẩu cá hồi tươi. Đối với Chilê, xu hướng thị trường tương tự như Na Uy, tuy nhiên vẫn tập trung vào fillet tươi, 78% xuất khẩu của nước này sang Mỹ là fillet tươi, trong khi 16% là fillet đông lạnh. Gần đây, ngành sản xuất cá hồi Na Uy cho biết, có thể sẽ thực hiện các biện pháp chống lại việc áp đặt thuế chống bán phá giá của Mỹ, có hiệu lực từ năm 1991. Điều này có thể giúp các nhà sản xuất Na Uy giành lại thị phần tại phân khúc sản phẩm này.

 

Thị trường

Mặc dù cá hồi Đại Tây Dương tăng giá cao thì EU vẫn là thị trường tiêu thụ lớn. Các nhà chế biến đang chịu áp lực về giá nên đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế, điều này một phần lý giải vì sao EU tăng trưởng mạnh trong việc nhập khẩu các sản phẩm cá hồi đông lạnh từ Trung Quốc. Trong quý đầu tiên năm 2011, xuất khẩu cá hồi của Na Uy sang thị trường EU27, mặc dù tăng 17% về giá trị nhưng lại giảm gần 4% về khối lượng.

Có thể nói Pháp là thị trường tiêu thụ cá hồi lớn nhất tại EU. Năm 2010, lượng nhập khẩu cá hồi của thị trường này tăng khoảng 4%. Phân khúc tăng trưởng mạnh nhất là sản phẩm tươi, một phần do sự suy giảm nguồn cung cá hồi đông lạnh từ Chile. Na Uy tiếp tục duy trì vị trí nhà cung cấp chính cho thị trường này, chiếm thị phần 71% ở phân khúc sản phẩm tươi nguyên con và 91% ở phân khúc sản phẩm fillet tươi. Pháp cũng tăng cường mạnh hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc đã chiếm đến 40% thị phần trên thị trường này. Trong quý đầu tiên năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá hồi của Na Uy sang thị trường Pháp đã giảm.

Tại thị trường Đức, khối lượng nhập khẩu của Đức duy trì ở mức ngang với năm 2010. Na Uy chiếm ưu thế trong toàn bộ tổng thể thị trường, theo sau là Ba Lan, chiếm phân khúc thị trường về cá hồi hun khói. Trung Quốc cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh trong các loại đông lạnh, đạt gần 18.000 tấn năm ngoái. Trong quý 1/2010, kim ngạch nhập khẩu cá hồi của Đức từ Na Uy giảm 4% về lượng.

Tại Nhật Bản, trong năm 2010, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm cá hồi tươi và đông lạnh của Nhật hầu như không tăng trưởng. Na Uy vẫn là nhà cung cấp hàng đầu ở phân khúc sản phẩm cá hồi tươi Đại Tây Dương và Chilê ở phân khúc cá hồi đông lạnh Thái Bình Dương. Kim ngạch nhập khẩu từ Chilê giảm nhẹ 8,3% so với năm 2009 do các nhà sản xuất Chilê tiếp tục chú trọng xuất khẩu các sản phẩm cá hồi coho sang thị trường này.

>> Ngành công nghiệp cá hồi Chile thiết lập các mục tiêu sản xuất trong năm 2012 và 2013 đầy tham vọng nhưng liệu mức tăng trưởng dự kiến nhanh chóng có thể được duy trì lâu dài hay không vẫn còn là một tranh cãi cả ở Chile và châu Âu. Do đó, giá cả sẽ vẫn giữ ở mức cao trong hầu hết thời gian còn lại trong năm và chỉ giảm khi có nguồn cung bổ sung từ Chilê cho thị trường trong nửa cuối năm.

Hồng Thắm

            (Lược dịch từ Globefish)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!