T2, 06/07/2020 01:14

Báo động nợ xấu “tàu 67”

Chưa có đánh giá về bài viết

Do sản xuất kém hiệu quả nên nhiều dự án vay vốn “tàu 67” lâm vào tình trạng nợ xấu gia tăng, trong khi các giải pháp để tháo gỡ vẫn đang gặp ách tắc.


Sản xuất kém hiệu quả đã khiến cho nợ xấu của “tàu 67” tăng lên. Ảnh: V.N

Nợ xấu cao

Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng, giải ngân hơn 719,4 tỷ đồng giúp ngư dân đóng mới 63 tàu công suất lớn và cải hoán nâng cấp 2 tàu cá. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, hiện đã phát sinh 13 khoản nợ xấu của “tàu 67” với số tiền hơn 144,7 tỷ đồng, chiếm 20,55% dư nợ cho vay, chiếm 26,46% tổng nợ xấu. Ông Trần Quang Hổ – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn trong thu hồi nợ của “tàu 67”. Trong đó, BIDV chi nhánh Quảng Nam có đến 12 khoản nợ xấu của “tàu 67”, còn VietinBank chi nhánh Quảng Nam đã có 1 khoản nợ xấu.

Ngư dân Phạm Văn Dự (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) – chủ “tàu 67” QNa-90049 được đóng mới từ vốn vay của VietinBank cho biết, sản xuất rất khó khăn. Nguyên nhân là tàu vỏ gỗ nhưng lại bố trí 4 tăng gông bằng thép, rất nặng và có chiều dài quá khổ, rất khó xoay xở khi chụp mực. Nhiều chuyến biển chỉ thu đủ bù chi nên ông Dự không trả được nợ khi đến hạn và lâm vào cảnh nợ xấu. Ông Nguyễn Văn Lúc – cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Giang cho biết, trên địa bàn có 21 “tàu 67” đều không thu được giá trị kinh tế cao ở mỗi chuyến biển. Phải rất vất vả và chủ yếu nhờ vào hỗ trợ dầu với mức 400 triệu đồng/năm thì ngư dân mới trả được nợ của ngân hàng.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong số các “tàu 67” có 6 tàu thực hiện hậu cần và 7 tàu theo nghề câu mực là sản xuất hiệu quả, 21 tàu theo nghề lưới chụp sản xuất khá (ngoại trừ trường hợp ông Dự), còn lại 13 tàu lưới rê và 13 tàu lưới vây sản xuất rất kém. Đến nay, đã có 4 tàu theo nghề lưới rê chuyển sang lưới chụp và đang hoàn thiện thủ tục để vươn khơi. Các “tàu 67” sản xuất kém là do nguồn lợi hải sản của các nghề lưới vây và lưới rê ngày càng ít ỏi. “Sản xuất kém, một số tàu đã và đang tìm kiếm thêm nguồn vốn đầu tư cải hoán kiêm nghề để cải thiện thu nhập nhưng gặp nhiều khó khăn vì không thể vay hàng tỷ đồng của ngân hàng với lãi suất theo mặt bằng chung trên thị trường. Một số tàu nằm bờ và nhiều tàu đang hoạt động cầm chừng, chủ yếu nhờ vào hỗ trợ dầu” – ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết.

Tìm lối ra    

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, với hiệu quả sản xuất kém hiện nay, các chủ “tàu 67” sẽ rất khó trả nợ ngân hàng thương mại với số tiền từ 1 tỷ đồng/tàu/năm trở lên. Trong khi đó, cơ chế chuyển đổi chủ tàu không đủ năng lực khai thác hải sản theo Nghị định số 17 sửa đổi một số nội dung của Nghị định 67 rất khó triển khai trong thực tế. Nguyên nhân là khó tìm được chủ tàu mới nhận bàn giao toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc, quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng. “Rất mong Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế tiếp tục cho các chủ “tàu 67” vay thêm số tiền khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng/tàu với lãi suất ưu đãi để đầu tư cải hoán kiêm thêm nghề khai thác khác, cải thiện doanh thu, có điều kiện trả nợ ngân hàng. Các chủ tàu cá cũng cần được Chính phủ nới rộng thời gian trả nợ gốc là 15 năm đối với tàu vỏ gỗ và 20 năm đối với tàu vỏ thép. Cũng mong Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế cho phép ngân hàng thương mại thanh lý “tàu 67” để thu hồi vốn sau khi các chủ tàu không thể trả được nợ xấu” – ông Ngô Tấn nói. Ông Nguyễn Đình Toàn cho biết thêm, ngành thủy sản đã có văn bản đề xuất Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tăng cường điều tra, quan trắc tại các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để kết quả dự báo nguồn lợi, ngư trường được phong phú, chính xác hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao.

Bà Vũ Thị Tố Nga – Phó Giám đốc BIDV Quảng Nam cho rằng, khi bắt đầu triển khai Nghị định 67, các địa phương ven biển kêu gọi ngân hàng thương mại khẩn trương ký kết hợp đồng, giải ngân nhanh nguồn vốn, giúp ngư dân nhanh chóng sở hữu “tàu 67”, sản xuất trên các vùng biển xa. Đến nay, khi nợ quá hạn, nợ xấu của “tàu 67” tăng nhanh, phía ngân hàng kêu gọi các địa phương ven biển hỗ trợ thu hồi nợ nhưng lần nào liên hệ thì cũng bế tắc. “Rất mong Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh đôn đốc các địa phương ven biển đồng hành với ngân hàng khi thu nợ của ngư dân vì phía ngân hàng không thể quản lý được quá trình sản xuất và dòng tiền của ngư dân sau khi bán hải sản” – bà Nga nói.
Về điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã yêu cầu UBND các địa phương ven biển khẩn trương thành lập tổ công tác hỗ trợ các ngân hàng thương mại thu hồi nợ vay đóng “tàu 67”.  Theo đó, tổ trưởng là phó chủ tịch UBND huyện (thị xã, thành phố), còn thành viên là các trưởng phòng kinh tế (phòng NN&PTNT). Các chủ tịch xã và các hội, đoàn thể cũng phải vào cuộc. Việc chi trả tiền hỗ trợ dầu cho ngư dân cũng phải được thực hiện thông qua ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng “tàu 67”.

Việt Nguyễn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!