Thời gian qua, nhiều tàu, ghe khai thác thủy sản ở khu vực bờ biển phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) làm hủy hoại môi trường sinh sản của một số loài thủy sản. Đồng thời nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến kênh xáng Bạc Liêu – Cà Mau đóng đáy, đặt nò, đó, bắt cá bằng xiệt điện cũng đã làm ảnh hưởng môi trường, tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Thả cá về thiên nhiên – hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: K.K
Các phương tiện khai thác thủy sản bằng dụng cụ lợp không được tỉnh cấp phép, chủ yếu từ nơi khác đến và hoạt động lén lút. UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nhiều đợt kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, nhắc nhở hàng trăm phương tiện. Đối với nghề đáy trên các tuyến sông lớn, nhiều năm qua tỉnh cấm phát triển thêm. UBND tỉnh cũng đã giao ngành NN&PTNT kết hợp với chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm. Mặc dù đã có quy định cấm khai thác theo kiểu tận diệt nguồn lợi thủy sản, nhưng việc vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên, không ít hộ dân vẫn lén lút đóng đáy trên sông, các tàu đánh cá vẫn vi phạm.
Nội dung Nghị định số 26/2019 hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Thông tư số 19/2018 hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nêu rõ: Cấm khai thác thủy sản bằng các nghề, ngư cụ gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh đã được đánh giá tác động; nghề, ngư cụ thuộc danh mục cấm theo quy định của tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải là thành viên nhưng có hợp tác. Cụ thể là nghề lưới kéo, lồng xếp, đăng, đáy, te, xiệp… ở vùng biển ven bờ, vùng nội địa.
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát nhưng nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa có ý thức cao trong việc thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản đúng quy định (trên 50% nhật ký khai thác ghi không đúng, đầy đủ theo hướng dẫn hoặc không ghi nhật ký). Tình trạng khai thác thủy sản sai quy định ngày càng tăng (đặc biệt là hoạt động khai thác sai vùng, sử dụng nghề, ngư cụ cấm) nhưng chưa được xử lý triệt để. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị chức năng đã phát hiện 49 vụ dùng xung điện đánh cá, tăng gần gấp đôi so với năm 2018.
Nguyên nhân khiến những quy định của pháp luật bị hạn chế trên thực tế, một phần do đối tượng vi phạm trên biển thường có các hành vi chống đối, gây nguy hiểm cho lực lượng tuần tra, trong khi lực lượng này khá mỏng, chưa được trang bị các loại công cụ hỗ trợ. Trang thiết bị, nguồn lực phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện cơ quan quản lý chỉ có 1 tàu kiểm ngư, 1 ca-nô đã xuống cấp nên rất khó khăn trong kiểm tra và kịp thời xử lý các hoạt động khai thác thủy sản sai quy định. Bên cạnh đó, khâu tuyên truyền, vận động ngư dân và công tác phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giữa các địa phương còn hạn chế.
K.K
Theo Báo Bạc Liêu