Thời gian qua, những cơ chế, chính sách mới của Chính phủ về phát triển ngành thủy sản đã giúp ngư dân cả nước nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng có điều kiện đóng mới nhiều tàu cá công suất lớn để vươn khơi, nhưng dịch vụ hậu cần nghề cá lại chưa tương xứng, làm hạn chế hiệu quả hoạt động của đội tàu cá.
Cảng cá quá tải
Quảng Bình có hai cảng cá xây dựng từ hơn 15 năm trước tại cửa sông Gianh và trên sông Nhật Lệ. Công suất hoạt động tương ứng là 16.000 tấn và 12.000 tấn. Tại đây, cùng với hệ thống kho lạnh để bảo quản hải sản, có nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá, như cung cấp đá lạnh, lương thực và nhiên liệu. Hai năm trở lại đây, cả hai cảng Roòn và Nhật Lệ đều cạn nước, cho nên hầu như tàu của tỉnh và các địa phương trong khu vực đều chọn cảng cá sông Gianh làm nơi cập bến, khiến lượng hàng hóa ra vào cảng tăng mạnh. Nhưng khó nhất hiện nay là hạ tầng cảng cá sông Gianh không đáp ứng được nhu cầu phát triển của nghề cá. Cảng được xây dựng từ năm 1999 với thiết kế cho tàu có công suất từ 150 CV trở xuống với hai cầu cảng dài 104 m hình chữ T để tàu đậu được hai bên. Sau 16 năm, vẫn cơ sở vật chất đó, cảng lại áp dụng cho tàu từ 300 CV đến 1.000 CV, phía trong của cầu cảng chữ T không đậu tàu được vì bị bồi lắng. Mặt khác, cầu cảng chỉ 50 m nhưng tàu xa bờ bây giờ dài 30 m nên rất khó xoay xở.
Giám đốc Ban Quản lý cảng cá sông Gianh Trần Đăng Thảo cho biết, lãnh đạo đơn vị chưa biết xử lý như thế nào để không xảy ra tình trạng các tàu chen nhau vào cảng cá. Chủ tàu cá tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Thắng nói: “Tàu tui đánh cá phía nam vịnh Bắc Bộ nên thường vào đây bán cá và mua nhiên liệu. Nhưng tình trạng quá tải và bồi lấp của cảng cá sông Gianh làm mất thời gian chờ đợi, vừa thêm mệt mỏi vừa giảm giá trị hải sản đánh bắt được”.
Một góc cảng cá sông Gianh (Bố Trạch, Quảng Bình)
Ngoài các cảng cá, tỉnh Quảng Bình có hai khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền với công suất gần 900 tàu cá. Trong đó, khu neo đậu sông Gianh có diện tích 17 ha, với sức chứa 500 tàu cá. Hiện toàn tỉnh có gần 4.000 tàu cá các loại cộng với số tàu cá của các địa phương qua lại thường xuyên thì hai khu neo đậu tránh trú bão mới chỉ đáp ứng được khoảng ¼ nhu cầu tàu vào trú ẩn trong mùa mưa bão, nên thường quá tải. Vì vậy, có thời điểm hàng trăm tàu cá phải ngược sông Gianh và sông Nhật Lệ lên phía thượng nguồn tìm các điểm khuất gió để tránh trú. Không chỉ tiêu tốn nhiên liệu mà việc tự tìm nơi trú ẩn này đã gây nhiều thiệt hại cho ngư dân khi tàu thuyền bị vỡ do va đập hoặc lũ lớn ở thượng nguồn làm chìm tàu.
Cần vốn để tiếp sức
Được biết năm 2011, UBND tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương, chính sách về đầu tư hạ tầng để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá đến năm 2020. Theo đó, tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá sông Gianh để nâng công suất xếp dỡ hàng hóa; khu neo đậu tránh trú bão sông Gianh 2 đủ chỗ cho 600 tàu; xây dựng khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hầu cần nghề cá Nhật Lệ 1 tại xã Bảo Ninh và Nhật Lệ 2 tại xã Vĩnh Ninh; khu neo đậu tránh trú bão sông Roòn và xây dựng chợ cá, bến cá tại các xã ven biển của huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Ngoài ra, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu quy mô lớn tại khu kinh tế Hòn La và mở các cơ sở cơ khí, đóng sửa tàu cá tại Quảng Trạch, Bố Trạch và Đồng Hới.
Tuy nhiên, là một tỉnh nghèo nên việc thu xếp, bố trí vốn để xây dựng các công trình hạ tầng nghề cá của Quảng Bình gặp nhiều khó khăn. Phần lớn vốn xây dựng các công trình đều trông chờ vào sự hỗ trợ của trung ương và các dự án, tổ chức quốc tế. Vì vậy đến cuối năm 2014, tỉnh Quảng Bình mới hoàn thành và đưa vào sử dụng khu neo đậu tránh trú bão sông Roòn với số vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Hiện dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền Nhật Lệ với tổng mức đầu tư gần 219 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1, xây dựng khu neo đậu tại xã Bảo Ninh, Đồng Hới số vốn 180 tỷ đồng đang được thực hiện, phấn đấu hoàn thành vào đầu năm 2017. Còn đối với các công trình khác mỗi năm chỉ được cấp ít vốn để sửa chữa nhỏ là chủ yếu.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Trần Đình Du, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá tại địa phương là rất cần thiết để “tiếp sức” cho nghề cá phát triển, nhưng đây là bài toán khó đối với một địa phương còn nghèo như Quảng Bình. Vì vậy, bên cạnh tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn từ Chính phủ, tỉnh Quảng Bình sẽ huy động vốn từ các doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại để thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật nghề cá; đồng thời tích cực tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn các tổ chức quốc tế để đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, các công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai nghề cá. Qua đó để dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh bắt kịp với xu hướng và đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các tàu lớn vươn khơi.