(TSVN) – Đó là những chia sẻ của các đại biểu tham dự hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 và ký kết quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022 do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào ngày 11/3. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết thật bất ngờ và ấn tượng với kết quả gần 1,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm, tức tăng 51,1% so với cùng kỳ, riêng thị trường Mỹ tăng đến 84%. Với kết quả trên cùng với những dự báo thị trường tôm thế giới năm 2022 sẽ tăng 10 – 22%, VASEP mạnh dạn dự báo xuất khẩu tôm năm 2022 sẽ rất lạc quan với mức tăng trưởng dự kiến vào khoảng 10 – 12%. Không chỉ có tín hiệu vui từ xuất khẩu, vụ tôm năm 2022 chỉ mới qua 2 tháng nhưng cũng cho thấy tình hình đang rất khả quan.
Toàn cảnh hội nghị phát triển ngành tôm diễn ra tại Sóc Trăng. Ảnh: NĐ
Ông Quảng Trọng Thao – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, mọi năm, sau tháng 2 là tình hình thiệt hại tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu cao điểm, nhưng năm nay thiệt hại rất ít xảy ra. Tương tự, tại các tỉnh nuôi trọng điểm như: Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, các báo cáo đều cho thấy tình hình vụ nuôi đang thuận lợi và diện tích thả giống đang tăng dần lên do giá tôm đang ở mức cao.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: NĐ
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2021, cả nước thả nuôi tôm nước lợ đạt 747.000 ha (bằng 100,9% so với năm 2020), trong đó diện tích nuôi tôm sú là 626.000 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 121.000 ha. Sản lượng tôm nuôi các loại năm 2021 đạt 970.000 tấn (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020); trong đó, tôm sú 265.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 665.000 tấn, còn lại là tôm khác. Theo kế hoạch năm 2022 được Tổng cục Thủy sản xây dựng, diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha (tôm sú 625.000 ha, tôm thẻ chân trắng 125.000 ha); sản lượng tôm các loại 980.000 tấn, trong đó tôm sú 275.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 675.000 tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu trên 4,0 tỷ USD. Để thực hiện kế hoạch trên, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 – 270.000 con (trong đó: tôm thẻ chân trắng 200.000 – 210.000, tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140 – 150 tỷ con (trong đó: tôm thẻ chân trắng 100 – 110 tỷ con và tôm sú 30 – 40 tỷ con).
Đại diện các địa phương và đơn vị liên quan ký kết quy chế phối hợp quản lý con giống năm 2022. Ảnh: XT
Theo các địa phương, dư địa tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn còn khá lớn, nhưng để ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững hơn cần giải quyết tốt những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm qua về: quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, chủ động tôm bố mẹ và quản lý chất lượng con giống, môi trường, cấp mã số cơ sở nuôi… Đồng tình với các ý kiến, kiến nghị của đại biểu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tới đây Bộ sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về hạ tầng thủy sản để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. Đối với tôm bố mẹ, Thứ trưởng cho rằng đây là vấn đề nhức nhối và trăn trở từ lâu của Bộ khi hầu hết nguồn tôm bố mẹ chúng ta đều chưa chủ động được mà phải nhập khẩu. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch vụ tôm năm 2022, Thứ trưởng đề nghị các địa phương, cơ quan trực thuộc Bộ cần tập trung thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý con giống, quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh thông tin, truyền thông chuyển giao khoa học công nghệ…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận tại Hội nghị: Cơ hội cho ngành tôm đang rất lớn, nên chỉ cần chúng ta thay đổi cách nghĩ, cách làm thì ngành tôm không chỉ phục hồi mà còn tăng tốc mạnh mẽ ngay từ vụ tôm năm 2022 này.
XT